Cào Cào Đốt Côn - Lỗi Newbie Căn Bản

Với những bạn vừa mới tập chạy xe côn tay, hoặc vừa mới vào chơi môn xe địa hình, thì khả năng làm cháy côn (nồi) xe rất nhiều. Với những xe cho thuê ở Tigit, có nhiều bạn chỉ vừa thuê xe 1,2 ngày, nhưng khi xe về thì phải thay toàn bộ lá côn mới. 

Côn của xe máy thực sự rất bền và thường không tự nhiên mà hỏng, phần lớn côn hỏng là lỗi của người sử dụng. Cháy côn thường xảy ra khi côn bị ma sát quá mức do người lái âm côn quá lâu, hoặc côn không được ngắt hoàn toàn, làm côn nóng lên quá sức chịu đựng, dẫn đến bị cháy đen. Côn bị cháy sẽ mất tác dụng truyền động, hậu quả là xe bị mất lực kéo, không chịu đi, dù đã nhả côn và tăng hết ga.

Kiểm tra những xe Tigit cho thuê bị cháy côn, thì thấy có 2 trường hợp chính dẫn đến cháy côn:

  1. Xe bị mắc lầy và người lái không biết lôi ra như thế nào, phụ thuộc hoàn toàn vào côn và ga.
  2. Chỉnh tay côn quá xa dẫn đến côn không ngắt hết khi buông tay côn.

Thói quen âm côn và tăng ga khi vừa mới chơi off-road

Với những bạn vừa bắt đầu chơi offroad, thì những lần đầu tiên xe bị mắc kẹt ở một vũng lầy, hoặc một con dốc quá cao sẽ là những lúc bạn dễ đốt côn nhất. Lúc này bạn sẽ bắt đầu mất bình tĩnh, do không biết cách xử lý, không biết khi nào mới thoát ra được, và sợ rằng nếu mắc kẹt quá lâu đoàn sẽ đi luôn và bỏ mình ở lại. 

Khi xe bị kẹt và không có trớn, nếu nhả côn ra quá xa, xe không có trớn sẽ bị tắt máy. Do đó, cách giải quyết thường thấy của đa số mọi người là: âm côn và tăng ga để tăng tua máy, nhằm giữ cho xe không chết máy, đồng thời nhấp nhả côn liên tục và hy vọng xe sẽ thoát ra được bằng cách nào đó. 

Âm côn và tăng ga để tăng lực kéo của xe, cách giải quyết này không sai, tuy nhiên cần biết lúc nào nên dừng, và chấp nhận đẩy xe, gọi đồng đội đến cứu, hoặc tìm cách khác. Nếu chỉ lệ thuộc vào côn và ga để thoát lầy, thì thường chỉ sau 10 phút 15 phút âm côn và đốt côn liên tục, hậu quả sẽ là xe bị cháy côn, và sẽ tốn nhiều thời gian và công sức hơn để lấy xe ra và đem về sửa chữa. 

Vậy nên làm như thế nào khi xe bị mắc kẹt quá sâu? Tất nhiên cách giải quyết của từng trường hợp sẽ khác nhau, tùy thuộc vào tình hình, địa hình bị mắc kẹt, nhưng sau đây là một số gợi ý cho những bạn mới chơi: 

  1. Lấy lại bình tĩnh
  2. Tăng khả năng bám đường cho bánh sau bằng cách:
    • Xì bớt hơi ở bánh xe để cho bánh dễ bám đường hơn, hạn chế xoáy bánh
    • Dồn cân nặng đè lên bánh sau để tăng khả năng bám đường.
    • Lên 1 số cao hơn (thay vì chạy số 1 thì sang số 2 hoặc 3) và búng côn để vừa tăng khả năng bám đường và tăng lực kéo cho bánh sau. Tuy nhiên, nên biết giới hạn của việc búng côn cũng như âm côn.
    • Nếu bị kẹt giữa dốc và xe không đủ để đi lên tiếp, vòng xuống dưới dốc để lấy trớn đi lên lại.
  3. Dùng sức của bản thân để đẩy hỗ trợ khi tăng ga
  4. Khi mọi thứ thất bại, chờ mọi người đến để giúp đỡ. (Đừng đi 1 mình)

Chỉnh tay côn quá căng có thể làm cháy côn

Một số bạn không thích tay côn có khoảng di chuyển tự do quá nhiều trước khi bắt đầu kéo dây côn, và thường chỉnh ốc vặn ở cùm côn để làm cho tay côn thật căng và cứng. Đối với côn sử dụng dây cáp, thì khoảng di chuyển tự do của tay côn là cần thiết để đảm bảo để côn được ngắt hoàn toàn khi buông tay côn.

  • Tay côn quá căng sẽ có nguy cơ côn không bắt hết khi buông tay côn, dẫn đến cháy côn
  • Tay côn quá chùng sẽ có nguy cơ không cắt hết côn khi bóp côn, dẫn đến khó sang số.

Hướng dẫn tăng giảm độ căng của côn bằng ốc vặn ở tay côn

  • Vặn ốc đi vào làm cho côn bớt căng, điểm bắt đầu kéo dây nằm gần ghi đông hơn. 
  • Vặn ốc đi ra làm cho côn căng hơn, tay côn dịch ra xa khỏi ghi đông

Ngoài ra một số loại dây côn còn có khoảng tăng chỉnh riêng nằm ở giữa dây.  

Những người chơi enduro và xe cào cào sử dụng côn như thế nào?

Tất nhiên, những người có kỹ năng về xe địa hình, cào cào và off-road sẽ sử dụng côn "bạo" hơn nhiều, cũng với cùng một kỹ thuật âm côn và tăng ga như vậy, nhưng đồng thời họ cũng hiểu rõ về nguy cơ bị cháy côn, và luôn biết được khi nào cần phải dừng. Người chơi có kinh nghiệm cũng sẽ có giỏi hơn trong việc tránh bị mắc lầy ngay từ đầu, do đó khả năng họ bị cháy côn ở giữa rừng là rất thấp. 

Tuy nhiên lá côn cũng là một trong những bộ phận hao mòn cần phải được thay thế sau một thời gian nhất định, thường là vài chục nghìn km đối với những dòng xe phổ thông. Đối với những người chơi trail và enduro thường xuyên, và đặc biệt là những người dùng xe để đua, thì khoảng thời gian giữa những lần thay lá côn cũng sẽ ngắn hơn nhiều, có khi chỉ vài nghìn kilomet. 

Thay lá côn, sửa côn có khó không? 

Không! Thay lá côn là một trong công đoạn bảo trì xe mà người sử dụng có thể tự làm ở nhà. Một người thợ giỏi có thể thay xong một bộ côn mới trong vòng 30 phút. Một số thợ sẽ chỉ thay những lá côn bị hỏng, một số người khác sẽ bảo nên thay toàn bộ cùng một lúc.

Một bộ côn (nồi) thường sẽ gồm 4-6 lá côn. Một lá côn, tùy vào loại xe, sẽ có giá dao động từ 100,000 đồng đến một triệu đồng, và có khi còn cao hơn nữa. Độ bền của bộ côn sẽ phụ thuộc vào chất lượng của lá côn, và mục đích sử dụng. 

Bài học rút ra: 

  1. Côn xe máy có tuổi thọ rất cao, nhưng cũng chỉ mất vài phút để phá hỏng hoàn toàn. 
  2. Kiểm tra độ bắt của côn xe trước khi đi những tour dài, hoặc đi những nơi mà bạn khó có thể sửa xe tại chỗ. 
  3. Không chỉnh tay côn căng hết mức
  4. Nếu bạn chơi off-road và hay đi rừng, rút kinh nghiệm từ những lần mắc lầy để tránh lặp lại.