Motorcycle Camping - Tận Hưởng Thiên Nhiên Hoang Dã Trên Con Xe Máy

Sau vài lần thử nghiệm kết hợp cào cào địa hình offroad cùng với bộ môn cắm trại, nhận ra rằng cả hai môn đều phải tiêu tốn một lượng lớn thời gian trong ngày, thể lực và rất nhiều trang bị phải mang theo, tụi mình đưa ra kết luận rằng, chỉ có thể chọn một trong hai. Lần này Linh và Thái chuyển hướng cắm trại cùng với ADV và cào cào nhỏ, mang trang bị bảo hộ cơ bản và gọn nhẹ, chừa chỗ để mang đồ camping. 

Trang bị camping gọn nhẹ phù hợp với xe máy

Để cắm trại một cách thoải mái, thực sự bạn cần phải đem khá nhiều trang bị theo. Tuy nhiên, khả năng chứa đồ của xe máy cũng khá giới hạn, thường chỉ ở khoảng 15kg đồ đối với xe phổ thông. Giới hạn 15kg hành lý cho xe máy thực ra là để đảm bảo an toàn, chứ thực sự mình vẫn thấy nhiều bạn mang đến hơn 20kg hành lý, và vẫn đi tốt.

 

Với Himalayan 400, Thái có khả năng mang được 44 lít hành lý với hai thùng Givi ở hai bên, thêm một bộ lều trại, bạt chống thấm buộc lên baga và yên sau. Ngoài ra Thái còn là người chuẩn bị và mang theo đồ ăn nước uống. Tổng hành lý của Thái mang có lẽ trên 15kg.

 

Linh với CB500X kèm bộ thùng Givi Trekker 37 Lít mỗi bên, tổng hành lý chở được lên đến hơn 70 lít, tổng trọng lượng chở khoảng 10kg hành lý. Tiếc là CB500x bị đứt xích do một hòn đá mắc kẹt vào dây sên ở nhông trước, nên khi vào cây thông cô đơn Linh đổi sang CRF150L.

Trang chọn XR150 gọn nhẹ, với cặp túi hông Kriega 12 lít, kèm theo một túi khô 20 lít buộc baga, tổng trọng lượng hành lý khoảng 7kg. XR150 vẫn là xe thoải mái và hợp lý nhất cho những chuyến đi như thế này. Bình xăng lớn có khả năng đi 350km một lần đổ đầy xăng, yên ngồi và phuộc thoải mái cho đi đường xa. Khả năng offroad chỉ kém CRF150L một chút xíu, nhưng baga chở được nhiều đồ hơn hẳn CRF. 

Lộc với mẫu YB125 độ classic với túi khô 40 lít buộc yên sau, chở hơn 15kg đồ. 

Cần lưu ý rằng khi bạn chất quá nhiều đồ lên xe, đối với các loại xe nhỏ phuộc không đảm bảo, sẽ ảnh hưởng đến khả năng vận hành của xe, dẫn đến mất an toàn, đặc biệt là khi đi đồi leo dốc xuống dốc như ở Đà Lạt. Cần tính đến chuyện ngã xe và dựng xe lên với hành lý buộc trên xe. Một mình bạn có xoay sở dựng được con xe với 15kg hành lý buộc trên xe, khi bị ngã xe ở giữa dốc không?

 

BBQ ở giữa rừng thông

Ăn đồ nướng khi đi cắm trại phải nói là một trải nghiệm rất vui, đặc biệt là với nhóm bạn từ 4 người trở lên. Đồ nướng có thể chế biến sẵn tại nhà và mang theo, hoặc bạn có thể đặt trước ở các nhà hàng tại Đà Lạt, khi đi cắm trại chỉ cần tạt ngang lấy và đem vào nướng thôi. 

Dụng cụ BBQ tụi mình đem theo gồm có 

  • Đồ ăn, đồ nướng, mì ly, cà phê, sữa milo
  • Một nồi/bình để đun nước, pha cà phê, sữa, mì 
  • Ly giấy, dĩa, chén bát giấy sử dụng một lần
  • lò nướng di động, gắp kẹp đồ ăn
  • hộp quẹt đốt lửa
  • than
  • củi dầu
  • Túi đựng rác

Để đốt được lửa, ở trong các đồi thông, cành cây mục gãy, và lá khô khá nhiều, quá dư để làm nguyên liệu đốt lửa trại. Bạn cần phải mua thêm than và ít củi dầu nếu muốn nướng đồ ăn BBQ. Củi dầu (củi ngo) là một loại củi rất dễ bắt lửa, cháy lâu, có thể mua được ở những chỗ bán than, chợ dân sinh trong Đà lạt. 

 

Nếu đốt lửa lúc trời quá tối, khi sương xuống sẽ làm ẩm củi, gỗ và lá khô nên sẽ rất khó để giữ lửa cháy. Nếu bạn đi xe máy, có thể lấy một ít xăng từ bình xăng của xe, vừa đủ thấm ướt đầu que củi để cháy. 

Cần lưu ý chỉ nên đốt lửa trại ở những nơi đã có sẵn bãi đốt cũ, nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm. Ban đêm cũng nên tắt lửa đi, phòng lửa cháy lan sang lều. Những dụng cụ không phân hủy được như đồ nhựa, chén giấy ly giấy cần cho vào bao rác và đem ra ngoài rừng, bỏ vào thùng rác. 

Lều hay võng? 

Lều, cho Đà Lạt nếu bạn chịu lạnh kém. Lều kín hơn so với võng, không khí lạnh khó luồn vào trong hơn. Võng cho dù có bạt chống thấm, thì hơi lạnh vẫn có thể tiếp xúc với bạt từ mặt dưới của võng đi lên. Ngoài ra võng còn bị phụ thuộc vào nơi bạn cắm trại có cây hay không. 

Trang bị lều trại của tụi mình gồm có:

  • Lều có bạt chống thấm ở phía trên
  • Tấm lót cách nhiệt
  • túi ngủ (nên mua loại túi ngủ trùm cả đầu, downfill 150)
  • Đèn treo
  • Đèn pin đeo đầu
  • Rìu
  • Dao đa năng

Tấm lót cách nhiệt đặc biệt quan trọng khi bạn muốn cắm trại qua đêm ở Đà Lạt. Khi đêm xuống, khí hậu Đà Lạt nhiều sương sẽ thấm vào đất, và hơi lạnh từ đất sẽ đi lên vào bên trong của lều. Bạt chống thấm phủ trên lều cũng cần phải kín và chống thấm tốt. Đệm hơi cũng là một giải pháp cách nhiệt tốt khi nằm đưới đất, tuy nhiên trong chuyến này thì đệm hơi của Linh bị xì lỗ mọt, nên nửa đêm lạnh quá phải chui qua lều khác có bạt cách nhiệt ngủ ké.

Quần áo giữ ấm khi đi cắm trại

Quần áo mang theo phải đủ để giữ ấm cho bạn. Ban đêm nhiệt độ của Đà Lạt có thể xuống thấp đến 15 độ C, thậm chí thấp hơn. Nếu bạn không muốn bị cảm lạnh, hoặc viêm phổi, thì tốt nhất nên pack đủ đồ giữ ấm. Quần áo ấm cũng chiếm thể tích và trọng lượng hành lý khá nhiều, nên chọn những đồ giữ ấm có khả năng pack gọn nhẹ (packable) vì khả năng chở đồ của xe máy cũng khá giới hạn.

 

Để cắm trại ở Đà Lạt, Linh mang:  

  • áo base layer giữ nhiệt và thấm hút mồ hôi
  • Áo midlayer insulation Mountain Hardwear
  • Áo gió chống thấm Columbia
  • Giày cổ cao chống thấm Revit Hydro Trail
  • Quần dài trekking gọn nhẹ
  • một đôi dép
  • vài ba đôi vớ giữ ấm
  • mũ và kính râm
  • Khăn quàng cổ

 

Một số trang bị quần áo cắm trại cũng có thể dùng chung với trang bị đi xe mô tô, xe máy. Đem càng ít đồ càng gọn nhẹ thì sẽ dễ di chuyển bằng xe máy hơn, tuy nhiên nếu đem không đủ đồ giữ ấm thì coi chừng không chịu nổi cái lạnh sương đêm của Đà Lạt. 

Xe máy - mô tô nào phù hợp để đi camping?

Thực ra khi đã vào đến đồi cỏ hồng ở Đà Lạt rồi thì bạn sẽ thấy là.... xe nào cũng vào được. Trong thời gian dựng trại ở đây mình thấy có đủ loại xe từ Honda Win, Future Wave, Sirius... cho đến xe đạp. Tuy nhiên, nếu phải chọn xe phù hợp để đi từ Sài Gòn đến Đà Lạt và mang theo hành lý để cắm trại, thì mình sẽ chọn: 

Honda XR150

XR150 gọn nhẹ, yên to và dày, bình xăng lớn có thể đi được đến 350km một lần đổ đầy xăng. XR150 có thể chở từ 10-15kg hành lý khá dễ dàng, bào tour đường dài không bị mệt như dàn cào cào CRF150 và CRF250 yên nhỏ. 

Nếu đi 2 người, có thể trang bị cặp túi hông Kriega 24L hoặc 36L để treo hành lý hai bên, kèm theo một túi khô buộc baga. Vậy là bạn có thể chở tầm 50 lít hành lý, và vẫn còn chỗ cho người ngồi sau. 

Khi vào đến nơi cắm trại. XR150 vẫn là xe gọn nhẹ và tiện dụng nhất trong việc đi thu gom củi, hoặc chạy vòng vòng đồi cỏ để chơi, trong khi mấy con xe bự như Himalayan hoặc CB500x vào đến nơi cũng đã khá vất vả rồi. 

Tuy nhiên XR150 máy hơi "đuối" khi đi đường đèo, đồng thời hạn chế của bình xăng con dễ bị yếu khi thay đổi độ cao. XR150 lên Đà Lạt chạy yếu thấy rõ, trong khi CRF150 do sử dụng phun xăng điện tử chạy hoàn toàn không có gì khác. 

Royal Enfield Himalayan 400

Mặc dù khá to và nặng, nhưng Himalayan 400 sẽ là mẫu ADV mình chọn nếu phải đi địa hình offroad. Với khả năng gắn thùng hông, baga sau và cả baga phía trước hai bên bình xăng, Himalayan có thể chở rất rất nhiều hành lý khi bạn cần.

Bỏ hết hành lý ra, Himalayan có khả năng offroad chỉ kém hơn XR150 chút đỉnh, nếu bạn có kỹ năng và thể lực tương đối để vật con xe 200kg. Leo lên dốc với 400cc hoàn toàn không khó mấy, số 2 vẫn lên dễ dàng. Himalayan sử dụng vô lăng mâm lửa khá nặng nên vòng tua lên rất chậm, bù lại khả năng kéo và leo dốc cực kỳ giỏi, ga đầu mạnh và khó tắt máy. 

 

Ưu điểm khá thú vị nữa là yên xe Himalayan có thể tháo ra để làm 2 ghế ngồi khi cắm trại, bạn không cần phải đem thêm ghế xếp để ngồi. Mặc dù không có chỗ tựa lưng, nhưng đệm yêu Himalayan ngồi rất là êm. 

 

Nhược điểm của Himalayan là bộ nồi côn và tay côn khá lởm, côn nặng nên khi đi offroad phải dùng 1-2 ngón rất mau mỏi tay. 

Honda CB500x

Honda CB500x thực ra phù hợp với đường nhựa hơn là địa hình đất đá, đường trail. Tuy nhiên CB500x vẫn có khả năng đi offroad nếu bạn có kỹ năng lái tốt. Ưu điểm của CB500x khi đi offroad là hộp số cực kỳ mượt, tay côn cực nhẹ, sang số dễ dàng, bóp côn dùng 1-2 ngón tay vẫn không bị mỏi. 

 

Tiếc là vừa đến Đà Lạt thì CB500X bị đứt sên. Một cục đá bị dính vào nhông trước và cấn đứt 3 mắt sên. Tụi mình phải kéo xe hơn 10km về TP. Đà Lạt.

Tìm hiểu thêm về kinh nghiệm xử lý hỏng hóc và hư xe dọc đường

Một số yếu điểm cần lưu ý của CB500x khi đi offroad: 

  • Ga đầu số 1, 2 khá yếu nên thường phải âm côn đệm ga để leo dốc
  • Góc lái hẹp, quay đầu (U turn) sẽ rất chật vật nếu đi đường hẹp. 
  • Trọng tâm xe cao nên không dễ bẻ qua lại như Himalayan
  • Chất liệu da bọc yên dễ bị trượt, nhất là khi tăng tốc. 

Một số lưu ý khi đi cắm trại

Đây là lần đầu tiên cắm trại qua đêm ở Đà Lạt, và một số điều mình học được từ người bạn dẫn tụi mình đi: 

Không xả rác, vứt rác trong rừng. Cần đem theo túi nylon đựng rác, và hôm sau chở túi rác ra khỏi rừng để vứt đúng chỗ. Chỗ tụi mình đi do ít người cắm, ít người biết, nên vẫn còn sạch sẽ, ít rác. Khi mình chạy ngang một số điểm cắm trại khác, thì thấy quá nhiều rác vất vương vãi lung tung.

Chú ý đốt lửa trại, nướng đồ ăn ở những nơi đã có vết, bãi than đốt từ trước. Tối ngủ, nên tắt lửa để tránh lan ra lều. Trước khi rời trại cần dập tắt lửa hoàn toàn.