Offroad với CB500X 600km HCM - Lagi

Xe ADV - Adventure có thực sự phù hợp để chơi offroad?

Cộng đồng chơi xe ADV - Adventure tại Việt Nam mặc dù ít hoạt động, nhưng có vẻ khá đông, và dường như còn đông hơn cả cộng đồng chơi cào cào. Với các mẫu xe Adventure được bán khá giới hạn tại Việt Nam, thì số lượng người chơi đông đảo như vậy thực sự là một điều đáng ngạc nhiên. Những mẫu xe ADV hiện đang được bán tại Việt Nam gồm có: Benelli TRK502, Royal Enfield Himalayan, Honda CB500x, BMW R1200GS... và những mẫu xe này đều có giá từ 150 triệu trở lên.

Khác với những dòng xe sport thường chạy trong track đua như Đại Nam là chủ yếu, thì đã chơi xe ADV là phải đi tour, và một khi đã đi tour thì phải pha lẫn chút yếu tố địa hình thì mới ra được cái "chất" của Adventure. Vậy, khả năng chạy địa hình, "off-road" của xe ADV thực sự như thế nào? Xách Honda CB500x lên và đi từ HCM đến Lagi, với 80% địa hình là cát, đá, sình lầy lội. 

Cần phải nói rằng đây không phải là lần đầu nhóm Tigit - Chrunix đem một con xe ADV như CB500x vào cung đường địa hình. Cả 2 mẫu xe ADV cỡ nhỏ tại Tigit là Himalayan 400 và CB500X đều đã được sử dụng nhiều lần trong những tour Cát Tiên và Đồng Nai.

Mục đích của chuyến đi lần này là để "tiền trạm" những đường đi mới, do đó bản đồ chỉ là những đường vẽ đại xuyên rừng và bãi cát, chưa biết có khả thi hay không. Công cụ vẽ bản đồ của Gmap khá tiện dụng để plan những chuyến đi thế này, bạn có thể xem video hướng dẫn vẽ bản đồ gmap để tìm hiểu thêm. 

Trang bị xe CB500X để đi địa hình

Mẫu Honda CB500x 2019 có cỡ niềng trước 19", niềng sau 17" gần như nguyên bản, với một số phụ kiện gắn thêm như: 

  • Bảo vệ tay lái SW Motech
  • Baga chống đổ SW Motech
  • Ốp gầm SW Motech
  • Baga sau và baga hông Givi
  • Lốp trước và sau MOTOZ Tractionator GPS

Ngoài ra, với chiều cao "ngoại cỡ" 2.02m Jon ăn gian khá nhiều nếu so với người có thể trạng trung bình, đặc biệt là người Việt chúng ta. Như Linh chỉ có 1m74, thì việc xoay trở và chống chân con xe 200kg ở những địa hình phức tạp có vẻ hơi bị quá hớp.

So với cào cào, CB500X nói riêng và các mẫu xe ADV nói chung sẽ có những bất lợi như trọng lượng xe cao hơn, bề ngang xe và khung xe khá to khó lách, yên rộng khó di chuyển trọng tâm người lái, và không phải mẫu ADV nào cũng có thể vừa đứng vừa chạy xe một cách dễ dàng.

Mẫu CB500X còn sử dụng mâm đúc, sẽ không thể xì hơi bánh xe để tăng độ bám nếu đường quá xấu và trơn trượt. Đây sẽ là thử thách lớn ở những đoạn đường rừng cao su và lên dốc. Rừng cao su do có nhiều lớp lá rụng chồng lên nhau, nên chỉ cần hơi ẩm một tí thôi là đã trở nên trơn như mỡ. 

Trang bị dụng cụ đem theo xe đơn giản chỉ gồm

  • Ruột xe sơ cua cho XR150 và CRF250
  • Bơm cầm tay, loại của xe đạp
  • Vài lon CO2 để bơm hơi
  • Dây nối điện, vì CRF250 và CB500x không có giò đạp
  • Dây kéo xe, phòng trường hợp con CB500x lún sâu quá
  • Bộ vá vỏ không ruột

Địa hình đường trail trơn trượt và lầy lội

Đoạn đường đầu tiên đi qua Đồng Nai hướng gần với Long Khánh, sau đó mới đánh vòng xuống Lagi, địa hình hỗn hợp rừng cao su, đường xuyên ruộng rẫy, và một đoạn chạy cát trong lòng suối khá dài. Dưới góc nhìn của người chạy sau, thì Jon nài CB500x khá dễ dàng và theo kịp CRF250L trong đoạn đường trail không mấy khó khăn, trừ một số đoạn lên dốc đất đỏ Linh phải xuống đẩy phụ. Nhìn có vẻ khó khăn, nhưng thực chất đường đi khá dễ dàng với 2 xe cào cào XR150 và CRF250L, không có đoạn nào quá khó cả. 

 

Tuy nhiên, với dàn phuộc trước sau vốn được thiết kế cho việc đi đường nhựa, có vẻ quá mềm để đi địa hình. Những đoạn đường đất nện với nhiều rãnh cắt sâu chính giữa do nước chảy cắt ngang, thì chạy phía sau có thể thấy rõ dàn phuộc CB500X nhún khá sâu, làm Jon phải giảm vận tốc khá nhiều mỗi lần qua những đoạn này. 

Khoảng sáng gầm khá thấp nên CB500x cũng thường xuyên mắc kẹt ở những đoạn gờ cao. Đặc biệt nếu chạy theo đường xe công nông thì cào cào còn có thể chuyển làn, chứ CB500X với khoảng sáng gầm quá thấp, chọn làn nào thì theo làn đó tới cuối cho dù nó có ngập rất sâu. 

 

Với hệ thống ABS trước sau, CB500x đem lại cảm giác an toàn trên đường nhựa. Tuy nhiên khi đem vào những cung đường off-road, thì ABS lại gần như làm tê liệt khả năng thắng và giảm tốc của xe. Kể cả khi đi rất chậm, thì ABS cũng sẽ làm tăng khoảng cách trượt giảm tốc của xe khá đáng kể. Jon thậm chí còn tìm cách tắt hẳn hoặc ngắt ABS sau một cú trượt khá dài, nhưng do thiếu dụng cụ và trời bắt đầu đổ mưa nên vẫn ôm ABS mà đi tiếp. 

ABS không tắt được, phuộc mềm, khoảng sáng gầm thấp, tư thế lái chồm trước, làm cho chiếc CB500x đi offroad còn thua cả... Honda Wave

Khả năng vượt sông suối của CB500x không hơn gì... Honda Wave vì lọc gió và ống xả được đặt rất thấp. Cộng thêm dàn khung to bự, cồng kềnh, sẽ bị nước cản nhiều hơn. Và khi đối phó với địa hình không nhìn thấy được ở lòng suối, thì khả năng ngã xe nếu đụng phải một cục đá nhỏ dưới suối là khá cao. Do đó, ở đoạn này tụi mình quyết định quay đầu là bờ!

Vấn đề nan giải với lốp không ruột và mâm đúc khi đi offroad

Ở một số đoạn khi đường đi trở nên quá khó, thì tụi mình thử xả bớt hơi trong lốp để tăng khả năng bám đường, mặc dù vẫn biết là sẽ có rủi ro không đủ hơi để ép lốp vào vành mâm. Mặc dù đã đi địa hình nhiều lần, nhưng những lần trước đều cố gắng duy trì áp suất lốp xe ở mức tối thiểu 20psi để không bị bung vành, lần này Jon xả xuống chỉ còn 10psi, vừa chạy vừa niệm phật. 

Và ở mức 10psi, thì lốp đã bị bung ra khỏi vành xe thật. Và ở giữa đường trail thì gần như không có cách nào để seal kín được vành với lốp xe bằng những dụng cụ như bơm tay hoặc lon bơm CO2. Kể cả máy bơm ở những tiệm vá xe nhỏ dọc đường cũng không đủ sức nén để ép chặt lốp vào vành.

Giải pháp cuối cùng là lắp ruột vào bên trong và đi tiếp. Mặc dù đã có ruột, nhưng do không có rimlock, nên vẫn phải duy trì mức áp suất trong ruột từ 15-20psi để không bị xoay lốp đứt đầu vòi.

Kết luận: giải pháp đơn giản nhất nếu chơi offroad là ruột kết hợp với rimlock. 

Khả năng chạy đường trail có cát, cát cạn và ướt

Đáng ngạc nhiên là CB500x có thể chạy trên đường trail cát, và cát ướt như bãi biển khá dễ dàng. Có vẻ với trọng lượng nặng, lốp bản to kèm cỗ máy khá mạnh 500cc, nên CB500x xé cát đi dễ hơn cào cào cỡ nhỏ như XR150.

Tất nhiên nếu ngã xe, dựng xe và phải xoay trở trong cát thì XR150 vẫn nhẹ nhàng hơn nhiều. Lưu ý rằng đây chỉ là đường có cát, hoặc đường biển cát ướt, chứ những nơi cát khô và sâu như đồi cát, thì cả Jon và Linh đều chưa có cơ hội để thử. 

Dù vậy, thế ngồi và setup ghi đông của CB500x hơi chúi về phía trước, làm cho tư thế đứng chạy xe hơi bị miễn cưỡng, giống như là đang đứng trên một chiếc street bike hoặc sport bike. Cục cao su gác chân trên cái gác chân lái bản nhỏ xíu cũng khá khó chịu. Tốt nhất nên đầu tư một bộ gác chân có gai, bản to, setup lại ghi đông cao hơn và đưa về phía sau nhiều hơn nếu muốn chơi CB500x offroad. 

Kết luận về khả năng đi địa hình của CB500X và xe ADV nói chung 

Mặc dù Honda CB500X vẫn được phân loại là "xe ADV dành cho beginner", tuy nhiên có lẽ CB500x không được thiết kế để offroad. Sau 2 ngày vật lộn với con xe trên gần 600km đường địa hình hỗn hợp, với 80% là offroad, thì Jon kết luận rằng khả năng offroad của CB500x có lẽ còn tệ hơn cả con Honda Wave.

 

Với trọng lượng xe quá nặng, khoảng sáng gầm quá thấp, ABS không tắt được, dàn phuộc quá mềm, kèm setup tư thế lái xe theo kiểu street bike, thì với một người có thể trạng to con như Jon vẫn phải rất chật vật để đưa xe đi qua được những đoạn đường trail không quá phức tạp.

Beginner, và với thể trạng trung bình người Việt, thì sẽ không thể nào đưa xe qua được địa hình như thế này mà không có thêm 1 team 3-4 người theo giúp sức. 

Tất nhiên sẽ có những mẫu xe ADV được trang bị và thiết kế tốt hơn, cho khả năng off-road tốt hơn CB500x như các mẫu xe KTM, BMW và Yamaha Tenere 700... nhưng bạn cũng cần phải giỏi cỡ Chris Birch hay Graham Jarvis, hoặc cao 2m như Jon, thì mới có thể đem những con xe đấy vào rừng. Thiết kế khung xe và trọng lượng xe vẫn luôn là rào cản lớn nhất cho việc đem một con xe hơn 200kg vào địa hình phức tạp, đặc biệt là với người Việt chúng ta. 

 

Vậy có nên mua CB500x không?

Có! Với đa số người Việt, Honda CB500X đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng hàng ngày, đi chơi và đi du lịch. CB500X cho cảm giác lái chắc chắn và an toàn trên đường nhựa, bộ côn nồi nhẹ nhàng kèm khả năng vô số khá mượt mà, là mẫu xe mình ưa thích để chở vợ đi phượt xuyên Việt, hoặc phượt những cung ngắn hơn như HCM hoặc Đà Lạt. Khả năng chuyên chở đồ với hai thùng sau tốt, chở được lên đến 70-80L hành lý mà vẫn không ảnh hưởng đến khả năng vận hành. 

Khả năng chạy địa hình offroad chỉ là một khía cạnh kèm theo của những mẫu xe ADV, và nếu đây không phải là thú vui hoặc nhu cầu của bạn, thì đừng ngại đầu tư vào CB500X. 

Nếu trang bị thêm lốp gai, setup ghi đông gác chân, độ pô thay trái thay lòng thay phổi thay abcd thì có offroad ngon hơn không? 

Có! Chắc chắn! Nhưng số tiền bạn bỏ ra để thay đổi toàn bộ con xe cho mục đích offroad, chắc cũng đủ để mua một con XR150 second-hand rồi. Và điều đáng nói là kể cả bao gồm những upgrade kể trên thì CB500X offroad chưa chắc đã hơn một xe XR150 nguyên bản.

Một điều nữa là đặc trưng offroad rừng mưa nhiệt đới như Việt Nam, thì gần như không thể tránh khỏi các đoạn lầy một khi bạn đã vào cung offroad. Sức nặng 200kg+ của con xe ADV sẽ luôn là một trở ngại khi chơi offroad ở những địa hình như thế này. 

Vậy nếu muốn chơi ADV Offroad thì nên sử dụng xe nào? 

Theo ý kiến của người viết bài (Linh), khả năng offroad tốt của một chiếc xe ADV có lẽ phụ thuộc nhiều vào kỹ năng người lái hơn là bản thân chiếc xe. Với thể trạng 1m74 nặng 70kg, mặc dù vẫn có thể sống chết vất vả với một con xe ADV nặng 200kg hơn qua một cung đường offroad (với sự giúp sức của team), nhưng đối với Linh đó không phải là thú vui nữa.

Và thay vào CB500X, nếu đưa cho mình những con xe "offroad tốt hơn", "cào cào chúa" như Africa Twin, Yamaha Tenere 700, KTM Adventure 790R, thì kết quả cũng không khác mấy. Câu hỏi này để ngỏ, cho những bạn có đủ khả năng đánh giá sẽ trả lời!