Chọn Giày Bảo Hộ Mô Tô

Giày bốt có thể xem như trang bị bảo hộ quan trọng thứ hai sau mũ bảo hiểm. Các dòng xe mô tô thường có trọng lượng khá nặng, đến cả con XR150 phổ biến ở Việt Nam cũng nặng đến 130kg. Và đôi chân là bộ phận đầu tiên chịu phần lớn trọng lượng của chiếc xe khi ngã, có thể dẫn đến gãy xương chân hoặc tổn thương nặng nề mắt cá chân.

Nếu bạn là những tay lái mô tô yêu thích tốc độ hay những chuyến off-road hạng nặng trên những chiếc xe trên 150cc thì một đôi bốt để bảo vệ chân là không thể thiếu. Tuy nhiên để chọn được một đôi bốt ưng ý cũng không phải dễ mặc dù thị trường giày bảo hộ hiện nay đa dạng về chất liệu, kiểu dáng và mục đích sử dụng. Chọn một đôi giày bảo hộ không giống như việc bạn chọn giày đi làm hay giày thể thao mang hằng ngày. Giày bảo hộ được sản xuất với những đặc điểm chuyên dụng và kích thước rất đặc trưng. Do đó rất khó để bạn lựa chọn cho mình một đôi giày phù hợp cả về kích thước, chất liệu và độ thoải mái khi mang trong những chuyến đi dài.

Bài viết này sẽ khái quát được các loại bốt / giày bảo hộ khác nhau hiện có và tiêu chí chọn lựa thỏa mãn điều kiện: xác định được chính xác size bốt vừa vặn bàn chân nhưng vẫn đảm bảo độ linh hoạt và thoải mái. Từ đó bạn có thể thoải mái đặt hàng online cho một đôi bốt mà không sợ bị lỗi size.

Kiểu dáng, chức năng thích hợp

Street boots

Street boots được thiết kế đa dạng kiểu dáng phù hợp với người lái và loại xe khác nhau, đảm bảo an toàn kết hợp với độ thoải mái nhất định. Trên thực tế, Street boots có thiết kế khá giống với những loại giày dạo phố thông thường nên đa số sẽ nghĩ rằng bạn đang mang đôi giày bắt trend thời thượng dạo phố mà không nhận ra đó thực chất là một đôi giày bảo hộ chất lượng. Ngày nay, street boots tích hợp khả năng chống thấm nước rất dễ tìm mua trên thị trường, đây là sự lựa chọn hoàn hảo trong những ngày mưa gió, hay những chuyến băng rừng lội suối, lái xe trong điều kiện ẩm ướt. Vì chú trọng vào kiểu dáng, thiết kế đẹp mắt nên chức năng bảo vệ của chúng không mấy vượt trội. Một số loại có thiết kế dây cột phần nào gây khó khăn trong việc điều khiển xe, kém linh hoạt đặc biệt là đối với dòng xe tay côn, ngoài ra chúng còn khá rườm rà.

Sport/track boots 

Sport boots cung cấp độ bảo vệ hoàn hảo trong các trường hợp tai nạn khiến cơ thể bạn bị trượt dài trên đường do giảm tốc đột ngột, hoặc chịu được các áp lực va đập tương đối cao, tạo độ linh động nhất định cho chuyển động của người mang . Đây là dòng bốt bảo hộ thường thấy trong các giải đua MotoGP (một trong những giải đua xe mô tô phân khối lớn lớn nhất và nguy hiểm nhất hiện nay) . Một điểm cộng nữa là chúng được thiết kế dễ dàng tháo lắp, thay thế khi bị hư hỏng ở một số phần cứng, chẳng hạn như miếng slider (miếng kim loại chịu ma sát được gắn ở mũi giày, nơi che chắn vị trí cà xuống mặt đường) có thể tháo lắp mới khi bị mòn. Tuy nhiên, trái ngược với street boots, sport boots không thoải mái để mang liên tục, hay mang hằng ngày. Nếu bạn muốn sự bảo vệ tuyệt đối trong những cuộc đua tốc độ thì Sport boots là đôi giày hoàn hảo, còn nếu như bạn hướng đến một đôi giày nhẹ nhàng, thoải mái hơn nhưng vẫn giữ được khả năng bảo vệ cao thì hãy xem xét đến dòng touring.

Touring boots 

Nếu bạn đang tính toán cho một chuyến đi dài thì touring boots có thể xem là sự lựa chọn đáng cân nhắc. Chúng mang lại sự thoải mái trong suốt cả ngày dài, có khả năng chống nước hoặc ít nhất là chống thấm tương đối tốt và lựa chọn cổ cao hay cổ thấp tùy vào ý thích của mỗi người. Tuy nhiên, chúng không tích hợp khả năng bảo vệ tổn thương gây nên do chân/cổ chân bị vặn, xoắn đột ngột như sport boots, cũng không phải là một lựa chọn mang tính thời trang như street boots. Có thể nói đây là dòng giày bảo hộ trung gian giữa sport và street, cân bằng giữa độ thoải mái và khả năng bảo hộ. Suy cho cùng, đối với những phượt thủ đường dài thì chỉ cần như vậy là đủ. 

Dirt boots

Dirt boots - còn được gọi là giày bảo hộ cào cào, là đôi giày dành riêng cho những chuyến off-road hay những cuộc đua mô tô địa hình. Cũng như các dòng bảo hộ cào cào khác như quần áo, nón bảo hiểm, găng tay thì giày cào cào cũng có đa dạng màu sắc để phối hợp, hoặc chủ đạo màu đen pha chút trắng. Dirt boots bảo vệ các phần của chân (bàn chân, mắt cá và ống khuyển) tối đa khỏi các chấn thương thường gặp khi đi off-road nhờ vào thiết kế cổ cao ôm sát chân và vỏ giày cứng cáp. Bởi đặc thù thiết kế khá nặng cho khả năng bảo vệ hoàn hảo nhất nên chúng không thích hợp để mang đi bình thường hằng ngày, đặc tính chống thấm nước cũng không được đánh giá cao. Nếu bạn muốn phối hợp giữa off-road và on-road thì có lẽ dòng ADV sẽ thỏa mãn được điều kiện đó.

Adventure boots (ADV boots)

ADV boots là sự kết hợp thông minh 2 ưu điểm lớn: vừa có yếu tố bảo vệ cao của dòng dirt nhưng vẫn mang đặc tính thoải mái và dễ chịu từ dòng touring. ADV boots có khả năng chống nước tốt, phong cách đa dạng, tạo hình bên ngoài gồ ghề, bụi bặm hơi hướng tương đối giống với dirt boots, những vẫn giữ nét riêng đậm chất phiêu lưu như tên gọi “adventure”. Cũng giống như nhiều sản phẩm mang tính kết hợp khác, dòng ADV không có tính năng bảo vệ hoàn hảo như Dirt boots cũng không mang vẻ ngoài bóng bẩy bằng Touring. Tùy thuộc vào sở thích cũng như nhu cầu mỗi cá nhân để quyết định sự cân bằng tính năng, hay vượt trội về một tính năng nào đó mới là tố chất cần thiết trong đôi giày bảo hộ mà họ đang tìm.

Kích thước / size giày 

Việc chọn đúng kích thước giày, đảm bảo vừa vặn không gây gò bó đôi chân để tạo sự thoải mái tối đa, hạn chế tối thiểu hoặc loại trừ hẳn những khó khăn, khó chịu khi phải di chuyển đường dài, lái xe liên tục và đặc biệt là lái xe trong môi trường, địa hình không thuận lợi, chẳng hạn như khi đi off-road, địa hình gô ghề dễ té ngã, đòi hỏi không chỉ tay mà cả chân phải hoạt động liên tục để chống đỡ xe.

Một dụng cụ để đo chính xác size giày đó chính là Brannock nhưng có lẽ loại dụng cụ này còn mới mẻ và chưa phổ biến ở Việt Nam. Cách tốt nhất bạn hãy đến trực tiếp một cửa hàng giày để ướm thử size bàn chân, các thương hiệu thường chênh lệch nhau không nhiều và có thể tìm bảng so sánh số đo các hãng khác nhau nên từ đó bạn đã có thể ước lượng size giày phù hợp. Một cách khác có thể làm tại nhà là tự đo chiều dài và chiều rộng của bàn chân, sau đó dựa vào số đo chính xác mà mỗi hãng đưa ra để biết được size giày chính xác của mình. 

Độ ma sát, khả năng bảo hộ, chống trượt

Giày có khả năng chống trượt và có độ ma sát cao sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong quá trình di chuyển trên những loại địa hình khác nhau. Ưu tiên những đôi giày có độ ma sát lớn, có khả năng chống trượt cao để tăng độ an toàn đặc biệt là hình thức phượt trekking.

Khả năng chống nước, chống ẩm

Với thời tiết nhiệt đới gió mùa, nắng mưa thất thường ở Việt Nam thì sở hữu một đôi giày có khả năng chống thấm vẫn tốt hơn, góp phần đơn giản hóa chuyến đi, đặc biệt là những lúc phải chạy đường dài dưới mưa. Sẽ khó chịu biết bao nếu phải mang đôi giày ướt sũng chạy cả một đoạn đường dài và cùng lúc không mang theo đôi sơ cua nào để thay thế. Còn nếu mục tiêu của bạn là đi off-road trong ngày, hay không ngại một đôi chân ướt thì có thể bỏ qua tiêu chí này. 

Mang thử và cảm nhận

Sau khi đã điểm sơ qua các tiêu chí thì cuối cùng bạn đã chọn và mua được một đôi giày bảo hộ mới cóng thì việc tiếp theo không kém phần quan trọng đó là thử giày. Hãy thử đi vài vòng với đôi giày mới và để ý xem nó có gây cảm giác khó chịu, châm chích, vướng hay cấn mà không thể giải quyết chỉ bằng cách điều chỉnh một số bộ phận rời (nếu có). Chú ý đến ngón chân, 2 bên hông và sau gót đảm bảo giày vừa khít, không gò bó cũng không quá rộng. Đảm bảo đôi giày sẽ bảo vệ bạn trong chuyến đi, chứ không phải khiến bạn đau thêm sau khi mang nó.

Lựa giày boots không phải dễ, vì thế hãy xem xét các tiêu chí và đo cỡ chân thật chính xác đảm bảo giày vừa vặn để có một đôi giày thật ưng ý, mang lại trải nghiệm tuyệt vời trong chuyến đi. Hi vọng với những thông tin trên phần nào giúp bạn dễ dàng chọn lựa cho mình một đôi giày bảo hộ đi phượt phù hợp, đảm bảo an toàn trên mọi chuyến đi!