Xe Cào Cào Chơi Offroad Địa Hình Cần Trang Bị Gì?

Offroad là gì?

Offroad hiểu theo cách đơn giản là Off-the-road, là đi ra ngoài những con đường nhựa có sẵn, đi vào đường đất, đá gồ ghề, hoặc thậm chí những nơi không thể gọi là "đường" như rừng, cát,...

Offroad còn được hiểu chung là trải nghiệm xe trên những địa hình xấu, bao gồm cả xe hơi và xe máy. Để an toàn và dễ dàng hơn trong việc điều khiển xe, việc trang bị và thay đổi một số phụ tùng trên xe là điều cần thiết.

Độ xe offroad cần làm những gì?

Thú chơi offroad thoạt nghe có vẻ đắt đỏ, nhưng thực sự chúng ta không cần phải bỏ ra quá nhiều tiền để đầu tư vào việc độ xe. Cần cân nhắc mức độ offroad mà bạn nhắm tới, cùng khả năng điều khiển xe của bản thân khi độ xe đi offroad. 

Căn bản xe nào cũng có thể đi offroad được hết, tùy vào khả năng của người điều khiển xe. Người miền núi chỉ cần một con xe cỏ cộng thêm vài sợi xích quấn bánh là đã có thẻ leo khắp mọi nơi. Việc "độ xe offroad" nhằm mục đích giảm độ khó của việc đi offroad từ mức "hành xác" xuống mức "thử thách bản thân", đồng thời giúp xe có thể đi xa hơn và kết hợp đi đường nhựa xen lẫn offroad. 

1. Lốp gai cục chuyên offroad

Việc lựa chọn một bộ lốp phù hợp để đi địa hình là rất quan trọng. Căn bản: 

  • lốp có gai càng gồ ghề thì tạo ra độ bám đường cao hơn, đi những địa hình trơn trượt sẽ dễ hơn, nhưng sẽ nhanh mòn, dằn và xóc khi đi trên đường nhựa. 
  • lốp càng trơn thì sẽ êm và mượt hơn trên đường nhựa, nhưng sẽ ít bám đường hơn trên những địa hình offroad

Lốp gai cục là món phụ tùng thiết yếu với bát kỳ dân chơi offroad nào, dù là xe hơi hay xe máy. Và chỉ riêng việc sử dụng một bộ lốp khác thôi là bạn đã thấy xe hoạt động khác hẳn khi đi offroad. Nhiều khi bạn không cần thay đổi gì nhiều ngoại trừ cặp lốp. Harley Davidson hay Goldwing, chỉ cần lốp gai là mình có thể offroad được. Xe có mạnh 100 200 mã lực đi chăng nữa, thì cũng không đi được đâu nếu bánh không bám đường. 

2. Khóa lốp Rim lock

Gần như chơi offroad là phải ít nhiều đi qua những chỗ sình lầy .Để tăng độ bám đường trên những đoạn đường trơn trượt, cách làm thường thấy là xả bớt hơi ở trong lốp ra, tăng diện tích mặt tiếp xúc giữa lốp với mặt đường.Khi áp suất thấp thì rủi ro lốp không quay theo niềng khá cao đặc biệt với những xe có mô men xoắn cao. Khi lốp và niềng rời rạc với nhau thì bạn không thể chạy nhanh được, khả năng bị đứt vòi hơi ruột rất cao.

Khóa lốp (rim lock) như đúng tên gọi nó, khóa chặt lốp vào niềng, cho phép bạn có thể xì bớt hơi trong lốp để tăng độ bám đường. Thậm chí khi thủng ruột (săm) thì bạn vẫn có thể chạy với tốc độ 30-40km/h để về nhà nhanh chóng.

3. Gác chân chuyên dụng

 Gác chân có đệm cao su rất thoải mái và chống rung tốt khi sử dụng trên những điều kiện bình thường. Tuy nhiên cao su sẽ trở nên rất trơn trượt khi dính một ít sình lầy. Gỡ bỏ lớp cao su hoặc thay hẳn một bộ gác chân offroad chuyên dụng, có nhiều gai để bám chắc vào đế giày, giữ cho giày không bị trượt, đặc biệt khi bạn phải đứng lái để giữ thăng bằng ở những địa hình trơn trượt. 

4. Tay côn và tay thắng ngắn

Để có thể giữ chặt ghi đông trong những tình huống khó khăn, mà vẫn duy trì khả năng sử dụng côn và thắng trước, bạn cần phải thay một bộ tay côn và thắng ngắn hơn. Cần côn ngắn hơn cho phép bạn bóp côn với chỉ 1 hoặc 2 ngón tay, và các ngón còn lại vẫn có thể giữ chặt ghi đông. Thay vì mua mới một bộ tay côn thắng, bạn có thể chỉ cần cưa bớt cho ngắn đi, vừa đủ để sử dụng 1 đến 2 ngón tay là được. 

5. Bảo vệ tay lái

Ngã xe là chuyện rất bình thường và xảy ra liên tục trong môn thể thao này. Và mỗi lần ngã xe đều có rủi ro gãy tay côn và tay thắng. Mất một trong hai tay côn hoặc thắng đều có thể khiến bạn bỏ lại xe trong rừng và đi bộ về. Để bảo vệ côn và thắng bạn cần một bộ bảo vệ tay lái chắc chắn, bao trọn tay côn và tay thắng. 

6. Nhông sên dĩa

Xe không đủ mạnh để thoát lầy? Không đủ lực kéo lên dốc? Bạn có thể thêm lực cho ga đầu của xe bằng cách đơn giản là thay đổi tỷ lệ nhông sên dĩa. Thay đổi nhông sên dĩa mặc dù tốn chi phí khá nhiều, nhưng ít rủi ro và tốn kém hơn việc lên nòng lên trái và tất nhiên là ít rủi ro hơn hẳn. Thay đổi dĩa sau to hơn, hoặc nhông trước nhỏ hơn, bạn tăng thêm lực kéo ở ga đầu của xe, tuy nhiên cần hiểu rõ là bạn cũng đang hy sinh tốc độ ở ga cuối. 

7. Giá đỡ điện thoại

 Điện thoại và Google Map là công cụ dẫn đường hữu ích khi đi rừng. Chế độ xem vệ tinh của Google có thể cho bạn xem trước địa hình và tìm đường đi. Bạn sẽ cần một giá đỡ điện thoại chắc chắn và làm bằng kim loại, nếu có thể, vì nhựa vẫn có khả năng gãy khi ghi đông bị rung ở cường độ cao.

8. Ốp gầm

Đặc biệt với những xe có khoảng sáng gầm thấp, ốp gầm có khả năng bảo vệ mặt dưới của máy khi đi những địa hình nhiều đá lồi lõm. Ốp gầm thường che luôn mặt trước, do khả năng đá văng từ bánh xe trước làm thủng vỏ máy cũng khá cao. 

9. Nâng ghi đông

Đối với bộ môn cào cào, việc phải thường xuyên đứng lái là quá quen thuộc. Đứng lái xe là kỹ năng căn bản để vượt qua địa hình khó, nhằm hạ thấp trọng tâm xe, sử dụng đầu gối như một bộ phuộc nhún thứ hai, và di chuyển trọng lượng giữ bánh trước và bánh sau nhằm giữ vững đầu xe hoặc tăng độ bám đường khi cần. Nếu bạn thường xuyên phải đứng lái và cảm thấy mỏi vai và đau lưng, thì có thể là ghi đông được setup thấp so với chiều cao của bạn. Cân nhắc sử dụng gù nâng ghi đông để cho tư thế đứng lái đỡ mỏi hơn. 

10. Ghi đông ngang Tapered Bar

Ghi đông là một bộ phận quan trọng trong việc điều khiển xe đi những địa hình gập ghềnh. Ghi đông ngang và rộng cho khả năng ghìm đầu xe đỡ mất sức và đỡ mỏi hơn. Ghi đông tapered fat bar thường sử dụng thành có đường kính 28mm ở phần bắt ghi đông, cho độ cứng tốt hơn, cứng cáp và không dễ bị cong như ghi đông sắt.