Tư Thế Chạy Và Điều Khiển Xe Cào Cào

Dân Việt Nam thì hầu hết ai cũng đã có kỹ năng chạy xe máy ít nhiều rồi, tuy nhiên ngoài kỹ năng chạy xe côn tay căn bản, thì chạy xe cào cào trong điều kiện địa hình phức tạp khó đoán cũng có những kỹ thuật riêng của nó. Dưới đây là những kỹ năng căn bản nhất, hoặc có thể gọi là thói quen chạy xe, mà bạn có thể thay đổi tương đối dễ dàng, để có thể chạy xe cào cào thoải mái hơn cũng như ít bị bầy đàn bỏ lại hơn.

1. Ngồi sát bình xăng và giữ ghi đông gần ngực

Tư thế ngồi xe và tư thế giữ xe đứng khi dừng xe là điểm khác biệt rõ ràng nhất giữa người đã có kinh nghiệm và người mới chơi. Hầu hết những bạn chưa quen với cào cào thường có tư thế ngồi "nhàn hạ" như ngồi xe tay ga hoặc xe underbone bình thường, mông đặt tuốt phía sau, cẳng tay thẳng hoàn toàn, và bàn chân đặt lên gác chân ở vị trí giữa gan bàn chân hoặc thậm chí là gót chân. 

Tư thế ngồi dịch ra sau làm cho người lái có cảm giác nhàn, tuy nhiên khá là vô dụng và nguy hiểm khi áp dụng vào chạy xe cào cào, vì ngồi dịch ra phía sau rất khó chống chân, gần như không thể nghiêng xe để chống, mà phải giữ xe thẳng đứng. Những anh cao từ 1m8 sẽ không gặp vấn đề này, nhưng dưới 1m8 thì coi chừng giãn "háng".

Tư thế này buộc cùi chỏ phải luôn thẳng tưng, nên khả năng ghìm đầu xe, bẻ đầu xe đối phó với địa hình gần như bằng không, do đó tỷ lệ "xòe" khá cao. Ngoài ra đùi cũng không kẹp được bình xăng để khỏi bị hất văng ra khỏi xe.


Tóm lại, bước đầu tiên để cải thiện khả năng chạy xe cào cào, bạn cần ngồi dịch ra phía trước gần bình xăng hơn, giữ cùi chỏ cong vừa đưa ra ngoài như ảnh bên trên, ghi đông không quá xa ngực. 

2. Bóp côn chỉ bằng 1 đến 2 ngón tay

Nhiều bạn nghĩ rằng sử dụng tay côn ngắn, hoặc dùng 1,2 ngón tay để bóp côn có lẽ chỉ để làm màu, là sai, sai hoàn toàn. Trên đường nhựa thì việc bạn sử dụng bao nhiêu ngón tay để bóp và giữ côn không quá quan trọng. Tuy nhiên thử chạy cào cào và vừa nghiêng xe 45 độ qua một bên, vừa giữ côn hoặc nhả côn từ từ với 4 ngón tay trên cần côn như cách thông thường, bạn sẽ thấy bạn không có đủ lực để giữ xe ở 45 độ nghiêng. Ngoài ngón cái ra, bạn sẽ cần ít nhất 2 ngón tay nữa để giữ ghi đông không bị tuột, và 2 ngón còn lại để bóp hoặc giữ côn. Có thể chỉ dùng 1 ngón tay để giữ tay côn, và 3 ngón kia để giữ ghi đông, tùy trường hợp. 

Sử dụng 1 hoặc 2 ngón tay để bóp và giữ tay côn cho phép bạn điều tiết côn và lực máy trong khi vẫn đang ghìm hoặc giữ đầu xe, hoặc giữ cho xe khỏi ngã. Đây là kỹ thuật rất rất căn bản trong bộ môn cào cào. 

Bạn cũng không nhất thiết phải mua một tay côn ngắn chuyên dụng, chỉ đơn giản chỉnh cần côn ra xa khỏi ghi đông một tí (coi chừng cháy bố nồi) để có thể ngắt côn mà không cần bóp tay côn sát ghi đông. Hoặc đơn giản cưa ngắn đi một khúc tay côn bên ngoài. Linh và Thái thường chỉ canh tay côn ra xa khỏi ghi đông, trong khi Jon thì thích cưa luôn tay côn, và mài nhẵn lại vết cưa để không bị cứa vào ngón tay. 

3. Vị trí đặt bàn chân trên gác chân

Nếu bạn lật bàn chân của mình lên xem, thì banh bàn chân (ball of your feet) là phần mềm lồi lên ngay dưới các ngón chân của bạn. Tạo thói quen đặt chân trên bàn đạp và đứng trên bàn đạp ở vị trí banh bàn chân, cho mình thêm một điểm bản lề để hấp thu lực tác động. Như vậy ngoài phuộc sau, bạn có thêm 2 điểm bản lề để hấp thu lực nảy đó là đầu gối, và khớp mắt cá chân. 

Kể cả khi đang ngồi trên yên, bạn cũng nên tạo thói quen đặt sẵn phần banh bàn chân trên bàn đạp, để có thể sẵn sàng đứng lên bất kỳ lúc nào, do địa hình khi đi cào cào thường khó đoán và không thể chuẩn bị trước được. 

4. Đứng chạy xe qua địa hình mấp mô

Đứng chạy xe sẽ tiêu tốn năng lượng nhiều hơn và nhanh mệt hơn, nhưng đứng cho phép bạn di chuyển thân người rộng hơn, dễ thăng bằng qua những đoạn gồ ghề hơn. Ngoài ra, khi đứng bạn có thể dùng đầu gối và khớp mắt cá như hai giảm xóc phụ, giúp hấp thụ lực tốt hơn, giúp xương sống của bạn không chịu quá nhiều tải. 

Khi đứng bạn cũng có thể chúi về trước hoặc nghiêng ra sau, để dồn trọng lượng bản thân lên bánh trước hoặc bánh sau, tạo thêm độ bám đường cho bánh xe, hoặc làm cho xe nhẹ và dễ qua chướng ngại vật, tùy vào địa hình và điều kiện đường đi. 

 

Phần lớn khi đứng chạy xe, hai đầu gối sẽ thả lỏng để cơ thể bạn di chuyển qua lại để cân bằng xe. Ngoại trừ một số đoạn tăng tốc hoặc giảm tốc gấp, hoặc xuống những dốc quá cao, bạn sẽ cần kẹp đầu gối vào bình xăng để giữ tư thế ghìm ghi đông và không bị trượt ra khỏi xe. 

Khi bạn đứng, trọng lượng của bạn sẽ dồn vào hai bàn đạp. Khi bạn ngồi thì trọng lượng sẽ trải đều trên yên xe. Trọng lượng càng thấp thì sẽ càng vững. Do đó đa số những đoạn địa hình khó và gồ ghề, những người chơi có kinh nghiệm đều đứng lên để lướt qua nhẹ nhàng. 

Thường xuyên luyện tập

Kỹ năng chạy xe cũng giống như các môn thể thác khác, nói thì dễ, làm mới khó. Vì vậy bạn cần phải bỏ thời gian rèn luyện, tham gia đi tour với hội nhóm nhiều, mới có thể nâng cao kỹ năng được. Vừa rồi là 4 kỹ năng căn bản có thể giải thích tương đối bằng lời. Để tham khảo những kỹ năng nâng cao hơn, bạn cần phải có huấn luyện viên hướng dẫn, hoặc có thể tự học qua video. Kênh youtube Cross Training Enduro  giải thích cặn kẽ gần như mọi kỹ thuật chơi cào cào địa hình, ngoài ra giọng tiếng anh khá dễ nghe và dễ học để bạn tham khảo.