Kỹ Năng Và Tư Thế Chạy Xe Khi Off-Road

Off-road là từ chỉ việc lái xe (ô tô, xe máy, xe đạp) trên những địa hình hiểm trở như đường mòn, cát sỏi, lòng sông, đường đồi, núi … và cũng được sử dụng như một tên gọi dành cho môn thể thao mạo hiểm dành cho những người thích trải nghiệm, chinh phục những cung đường hiểm trở, rừng rậm, lội suối, trèo đèo, thậm chí là sa mạc.

Off-road là bộ môn đòi hỏi các tay lái cần có kỹ thuật và kiến thức về xe, địa hình khi di chuyển để đảm bảo an toàn cho chính bản thân cũng như chiếc xe.

Một trong những kỹ năng đi off-road quan trọng nhất mà người lái nên học và thực hành là lái xe trong tư thế đứng. Nếu bạn là một người mới hoàn toàn đối với dòng xe cào cào cũng như bộ môn off-road, lời khuyên hữu ích là hãy cố gắng tập đứng lái trong khi đi off-road càng nhiều càng tốt để làm quen từ từ đến khi cảm thấy hoàn toàn thoải mái. Ban đầu, việc đứng trong khi lái xe sẽ khiến bạn có cảm thấy vụng về thiếu tự nhiên, nhưng thực hành nhiều theo thời gian nó sẽ trở thành bản năng và chúng ta có thể dễ dàng điều khiển chiếc xe qua địa hình hiểm trở. Thuần thục kỹ năng quyết định thời điểm phù hợp để luân phiên các tư thế ngồi, đứng hoặc xòe/dạng chân ra hai bên khi lái xe sẽ giúp tiết kiệm năng lượng rất nhiều đồng thời giúp bạn trở thành tay off-road rider điêu luyện. 


Tư thế lái và các hành động điều khiển  bóp/thả côn, bóp phanh, sang số, đạp phanh... nên được tính toán cẩn thận trước khi thực hiện tư thế đứng khi đang chạy xe. Giữ tâm lý thoải mái, đầu hướng thẳng và mắt quan sát đường đi.

Set up xe và điều chỉnh vị trí đặt chân/tay

Đa số với những người mới chơi off-road lần đầu sẽ gặp khó khăn trong việc điều khiển xe trong tư thế đứng kết hợp kiểm soát tay ga, thắng đồng thời vẫn phải ghìm ghi-đông. Xe cần phải được điều chỉnh một số chi tiết như ghi đông, tay côn tay thắng, bàn đạp thắng và số để có thể dễ điều khiển hơn khi đứng. Xem qua bài viết chi tiết về hướng dẫn setup xe off-road để điều chỉnh xe trước khi đi. 

Thông thường, ngoài chiều cao yên thì hầu hết các mẫu xe cào cào vừa xuất xưởng đều được thiết kế cho một form người chuẩn. Tuy nhiên người sử dụng không phải ai cũng giống ai về mặt thể chất, ngoài ra còn liên quan đến kỹ năng và thói quen chạy xe. Chính vì thế, có rất nhiều cách điều chỉnh cơ bản cho chiếc xe phù hợp với người lái mà không cần tốn quá nhiều thời gian hoặc chi phí đầu tư.

Hạ tay phanh, tay côn phù hợp với tư thế đứng

Nếu tay phanh và tay côn song song với tay lái thì khi ở tư thế đứng, áp lực sẽ dồn vào cổ tay khiến việc điều khiển xe thiếu tự nhiên và nhanh mỏi. Để khắc phục điều này ta có thể điều chỉnh hạ thấp tay côn và phanh sao cho tư thế cổ tay được thoải mái hơn, giảm áp lực đè lên cổ tay đồng thời việc điều khiển xe khi đứng được dễ dàng và an toàn hơn. 

Khi đi off-road các ngón tay phải luôn sẵn sàng để bóp côn/phanh để phản ứng nhanh xử lý các tình huống trên đường. Bạn sẽ cần thay hoặc cắt ngắn bớt tay phanh và côn, để có thể sử dụng với chỉ 1-2 ngón tay. Bạn sẽ cần từ 2-3 ngón tay để giữ và ghìm ghi đông mọi lúc. 

Điều chỉnh và thử nghiệm nhiều góc độ và cách setup khác nhau tùy theo mục đích chuyến đi và khả năng, thói quen chạy xe của bạn.

Chú ý đến cần số, cần phanh và vị trí đặt chân trên bàn đạp

Tương tự như việc điều chỉnh tay phanh, tay côn và ghi đông thì cần phanh và cần sang số cũng có thể có một số điều chỉnh nhất định. Khả năng điều chỉnh của mỗi xe đều khác nhau, một số xe thiết kế cố định vị trí bàn đạp phanh nên không thay đổi được, nhưng có những bàn đạp độ có thể điều chỉnh vị trí phanh cao hay thấp hơn, phù hợp cho cả lái xe khi ngồi và đứng. Tùy vào mục đích sử dụng, on-road hay off-road mà có những điều chỉnh phù hợp.

Ở tư thế ngồi, chân có xu hướng đổ về phía trước nhiều hơn, các dòng xe đi phố phản ánh rõ điều này thông qua việc cần số/phanh đạp thấp hơn đế gác chân. Nhưng khi đứng, bàn chân ở vị trí vuông góc với mặt đất gây khó khăn trong việc đạp số/phanh nếu cần đạp quá thấp, vì thế ta có thể điều chỉnh cần đạp cao lên một nấc để việc đạp số/phanh khi đứng nhẹ và nhạy hơn. 

Đôi khi sẽ phải trải qua vài lần điều chỉnh và chạy thử để xác định được set up xe cũng như tư thế phù hợp thoải mái nhất khi đứng cho người lái.

Các tư thế điều khiển xe cào cào khi đi địa hình

Tư thế ngồi khi chạy xe

Với tất cả chúng ta, ngồi là tư thế chạy xe máy tự nhiên nhất, giúp tiết kiệm tối đa năng lượng và rút ngắn khoảng cách ngã xuống mặt đường giảm thiểu được chấn thương. Thông thường chúng ta lái xe trong tư thế ngồi khi chạy trên những con đường bằng phẳng không quá nguy hiểm, hoặc khi vào những khúc ngoặt. Tư thế ngồi lùi lại phía sau dồn trọng lượng vào bánh sau khiến lực bám đường tăng lên, giúp việc tăng tốc độ diễn ra trơn tru và nhanh hơn. Tuy nhiên ngồi khi đi off-road lại là một chuyện khác. Để có thể học hỏi nhiều kỹ năng đi off-road với tư thế ngồi, hãy tìm hiểu và học hỏi kiến thức, kỹ năng từ những tay đua flat- track, những bậc thầy xử lý pha tăng tốc vào những khúc cua đáng kinh ngạc.

Tư thế đứng khi chạy xe

Đứng khi chạy xe có thể tốn năng lượng nhiều hơn một chút so với khi ngồi nhưng bù lại nó giúp ta linh hoạt hơn trong điều khiển cũng như giữ thăng bằng xe đồng thời mở rộng tầm nhìn. Bạn có thể tùy ý chuyển trọng tâm lên bánh trước hoặc bánh sau một cách nhanh nhất khi cần thiết để tăng độ bám, điều khiển cơ thể ngã qua trái hoặc qua phải nhanh hơn với đầu gối hơi khụy góp phần giữ thăng bằng, hạn chế tối đa té ngã, đồng thời hấp thụ những cú sốc tốt hơn và đặc biệt là giảm chấn thương cột sống khi đi qua đoạn đường gồ ghề hay né các chướng ngại vật trên đường. 

Về tư thế đứng: Bạn nên đứng với nửa bàn chân trước trên bàn đạp (vị trí đệm bàn chân), đầu gối hơi khụy xuống và phần cơ thể hơi đổ về phía trước hướng tay lái, hai khuỷu tay hơi chùng một chút và chỉ cần dùng một hoặc hai ngón tay cho việc côn và phanh trước. Giữ thẳng đầu và chú ý quan sát hướng đi. Tư thế này chuyển trọng tâm đặt lên bánh trước để người lái có thể kiểm soát địa hình và điều khiển xe tốt hơn khi tăng tốc hoặc lên dốc. Việc đặt bàn chân hướng về phía trước, các ngón chân tiếp cận gần cần sang số sẽ giúp chúng ta dễ thao tác trong việc sang số và đạp phanh, nhưng đồng thời khiến chúng ta khó giữ thăng bằng và gặp trở ngại khi điều khiển xe qua địa hình hiểm trở. Vì thế, tuỳ tình huống mà chúng ta sẽ chọn vị trí đặt chân một cách thích hợp nhất.

Đa phần khi đứng ta sẽ thả lỏng đầu gối để cơ thể có thể di chuyển tự do so với chiếc xe. Tuy nhiên trong một số trường hợp, như khi tăng tốc hoặc thắng gấp hay khi lái xe xuống dốc nên giữ đầu gối ghìm chặt vào bình xăng trước để giữ cơ thể thăng bằng đồng thời giảm áp lực lên tay lái. 

Cử động cơ thể và điều chỉnh trọng tâm của người lái khi đứng cho phép người lái thích nghi nhanh chóng với điều kiện đường khác nhau cũng như dễ kiểm soát chiếc xe hơn, buộc nó phải di chuyển theo người lái như một thể thống nhất từ đó dễ dàng vượt qua những chướng ngại vật lớn hơn. Có thể tham khảo một số video của các tay đua off-road chuyên nghiệp và kỹ thuật di chuyển cơ thể giữ thăng bằng khi lái xe qua các đoạn đường kỹ thuật. 

Xòe/Chèo/Dạng hai chân sang hai bên

Nếu đã xem qua video của các tay đua địa hình hạng nặng như Graham Jarvis, Cody Webb hay Johny Walker sẽ thấy rằng phần lớn thời gian điều khiển xe trong tư thế đứng. Tuy nhiên khi đến các đoạn đường quá nguy hiểm hoặc trơn trượt thì sẽ trở về tư thế ngồi, dồn trọng lượng về bánh sau để tăng ma sát đồng thời giảm tốc độ và dùng chân hỗ trợ đẩy xe vượt qua phân đoạn khó đó. Một điều ghi nhớ là bạn không cần phải dùng toàn bộ sức chân đẩy cả chiếc xe mà hãy để chiếc xe làm nhiệm vụ của nó, chân chỉ hỗ trợ đẩy khi cần và giữ thăng bằng. 

Khi nào nên đứng khi nào nên ngồi?

Cách tốt nhất là hãy vận dụng cả 2 tư thế hay chính xác hơn là thay đổi giữa 2 tư thế một cách hợp lý và đúng thời điểm. Tùy thuộc vào điều kiện đường và mức độ thoải mái của người lái. Nhìn chung, khi vào con đường trải sỏi với điều kiện không quá tệ ta có thể duy trì tư thế ngồi và chỉ cần đứng khi cần vượt chướng ngại vật, ổ gà tuy nhiên nó vẫn sẽ có những giới hạn cơ động nhất định. Lựa chọn tư thế khi lái xe cũng một phần liên quan đến sở thích cá nhân. Nhiều tay lái sẽ thích và cảm thấy thoải mái, dễ dàng kiểm soát mọi tình huống với tư thế đứng hơn trong suốt thời gian đi off-road. 

  • Ngồi đối với những đoạn đường dễ, tiết kiệm sức
    • Chạy tốc độ nhanh đường thẳng
    • Đường bằng phẳng
    • Khi vào cua, ngồi để xòe một chân ra giữ thăng bằng
  • Đứng giúp bạn dễ giữ thăng bằng với những địa hình khó
    • Khi vượt sông, suối không nhìn thấy đáy, không biết địa hình như thế nào
    • khi cần phải di chuyển trọng lượng đè bánh trước hoặc bánh sau luân phiên
    • khi chạy qua đường dằn, xóc
    • khi chạy đường trơn trượt
    • khi chạy trên cát

Tiếp đến là Quan sát: Chúng ta sẽ đến nơi chúng ta hướng đến, vì thế hãy chỉ tập trung quan sát nơi bạn muốn đi! Khi đi off-road, theo thói quen ta sẽ hay nhìn xuống đường phía trước để né những chướng ngại vật ngay trước mắt. Tuy nhiên như thế sẽ khiến ta bị bất ngờ và phản ứng không kịp với địa hình đột ngột thay đổi. Thay vì vậy hãy tập nhìn thẳng về trước và tập trung vào nơi bạn muốn hướng xe đến, cơ thể sẽ tự động tuân theo suy nghĩ điều khiển chiếc xe như ý muốn đồng thời cho bạn thời gian phản ứng với các chướng ngại phía trước. 

Tập đứng lái ở tốc độ chậm : Xe càng khó điều khiển và giữ thăng bằng khi đi với tốc độ càng chậm. Đi off-road đường đa phần là đường xấu, không bằng phẳng và nhiều chướng ngại vật khiến xe khó tăng tốc đi nhanh được. Vì thế kỹ năng này sẽ rất hữu ích khi đi off-road và khi vào những ngã rẽ chữ U hoặc cua gắt. Tập luyện và vận dụng thành thục về điều khiển côn / ga, di chuyển cơ thể nhịp nhàng và giữ thăng bằng tốt với tư thế đứng ở tốc độ chậm sẽ giúp ích rất nhiều trong những chuyến đi off-road.

Bàn chân

Khi đi trên những cung đường off-road không quá hiểm trở, bạn có thể đứng một cách thoải mái với bàn chân của bạn được đặt ở vị trí sao cho bàn gác chân nằm ở giữa đế giày của bạn. Khi gặp nhưng cung đường cần nhiều kỹ thuật lái hơn thì bạn nên đứng bằng đệm bàn chân, đây là các vị trí sử dụng bàn chân thoải mái nhất mà vẫn đảm bảo sự linh hoạt khi có tình huống cần thiết.

Đầu gối

Bạn nên thả lỏng đầu gối và để ở trạng thái thư giãn, tự nhiên nhất. Nếu đầu gối bị bó chặt hay ở trạng thái cứng nhắc thì sẽ giảm độ linh hoạt khi xử lý tình huống, nhất là khi bất ngờ gặp chướng ngại vật, chân của bạn rất dễ bị trượt ra khỏi bàn để chân.

Cẳng tay

Cẳng tay của bạn phải trên một đường thẳng với tay côn và tay phanh, hai ngón trỏ và ngón giữa đặt hờ lên tay côn và tay phanh đảm bảo cho bạn dễ dàng tiếp xúc với cần điều khiển trong cả tư thế đứng và ngồi.

Ngón tay

Có ba vị trí để ngón tay trên cần điều khiển :

  1. Đặt ngón trỏ và ngón giữa của mỗi bàn tay lên tay côn và tay phanh hai bên
  2. Ngón trỏ của bàn tay phải đặt lên tay phanh, ngón trỏ và ngón giữa của bàn tay trái đặt lên tay côn.
  3. Chỉ có ngón trỏ đặt lên hai cần điều khiển ( điều này rất khó khăn đối với các bạn nữ vì lực tác động lên cần điều khiển thường yếu)

Xác định khi nào cần luân phiên thay đổi giữa các tư thế lái xe

Làm sao để biết được khi nào cần thay đổi các tư thế lái khác nhau?

Để có thể trả lời câu hỏi cần đòi hỏi sự luyện tập giữa các tư thế đứng, ngồi trên nhiều loại địa hình khác nhau, từ đó xác định được tư thế nào hiệu quả nhất trong trường hợp nào. Nhìn chung, những đoạn đường bằng phẳng êm ái thì chỉ cần ngồi lái và tận hưởng. Khi đến địa hình gồ ghề cần sự linh hoạt của tư thế đứng và cuối cùng xòe/dạng chân là sự lựa chọn tốt nhất và an toàn nhất khi vào đoạn đường cực kỳ khó khăn hoặc trơn trượt. 

Để có thể thay đổi tư thế liên tục qua các địa hình như một phản xạ tự nhiên thì trước tiên bạn cần phải tập thuận thục và đảm bảo thoải mái khi lái ở từng tư thế nhất định trước, sau đó là cân nhắc quyết định thay đổi giữa các đoạn đường khác nhau một cách linh hoạt và an toàn. Kỹ thuật này giúp tăng tối đa ma sát và khả năng kiểm soát tốc độ, ngoài ra còn nâng tầm bạn lên thành một tay off-road chuyên nghiệp, vượt chướng ngại vật một cách dễ dàng và điêu luyện nhưng vẫn an toàn nhất có thể.