PHANH ABS VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI SỬ DỤNG

Hệ thống phanh ABS là gì ? 

ABS là viết tắt của cụm từ “Anti-lock brake system” nghĩa là hệ thống chống bó cứng phanh, được sử dụng phổ biến trong ô tô, xe phân khối lớn và hiện nay đang thành một thiết bị an toàn tiêu chuẩn được thiết lập cho nhiều mẫu xe tay ga phổ biến (Honda SH, Vespa Sprint, Piaggio Liberty…). Có thể nói đây là một trong số những bước tiến vĩ đại của kỹ thuật công nghệ mang lại hiệu quả ứng dụng cao cho người sử dụng. Cho đến nay nguyên tắc hoạt động của ABS vẫn còn cơ bản như thuở sơ khai, tuy nhiên đây vẫn là công nghệ phanh tiên tiến, an toàn nhất được lắp đặt trên moto.

Hệ thống ABS giúp cho phanh không bị khoá cứng khi thắng gấp, giúp người lái xe dễ dàng kiểm soát được tay lái, hạn chế rủi ro té ngã, tai nạn khi di chuyển trong trường hợp đường ướt, trơn trượt, đá dăm,... So với dĩa phanh thông thường khi bạn thắng gấp đĩa phanh sẽ gắn chặt vào bánh xe khiến bánh xe không thể tiếp tục quay khiến xe trượt trên đường (tại thời điểm này ma sát trượt đã đạt cực đại thành ma sát lăn) cực kì nguy hiểm. 

ABS hoạt động như thế nào? 

Những tình huống bất ngờ không lường trước được luôn có khả năng xảy ra khi bạn lái xe trên đường. Khi đang lái xe ở tốc độ cao ở đường trơn trượt, những khi phanh gấp theo phản xạ tự nhiên sẽ gây ra hiện tượng khoá cứng bánh xe, tức là má phanh dính chặt vào đĩa phanh không cho bánh xe quay đối với hệ thống phanh đĩa thông thường. Lúc này, độ bám kém giữa bánh xe với mặt đường khiến xe bị trượt nhanh trên đường gây nguy hiểm hơn cho người lái xe. 

Hệ thống phanh ABS tiến một bước xa hơn để khắc phục tình trạng bó cứng phanh bằng việc chủ động điều chỉnh áp lực phanh xuyên suốt hệ thống. Áp lực phanh vẫn bị tác động lực bởi người điều khiển phương tiện nhưng qua hệ thống được cải tiến áp lực phanh được điều chỉnh ( bằng cách giảm nhanh và tác động trở lại) qua một bộ điều khiển, giúp duy trì độ trượt của bánh với mặt đường trong giới hạn cho phép. 

Mặc dù các hệ thống ABS cơ học đã được phát minh, nhưng phần lớn hệ thống được triển khai trong sản xuất phương tiện lại là thủy lực điện tử

  • Khi nhận thấy xe có nguy hiểm các cảm biến tốc độ phát hiện tốc độ của từng bánh xe và truyền tín hiệu ra của ECU điều khiển trượt.
  • Chống bó cứng phanh sẽ tiến hành hoạt động bóp nhả liên tục chỉ trong vài giây để giúp xe giảm tốc mà không cần khoá cứng bánh xe. 
  • Duy trì tốc độ trượt của bánh xe với mặt đường trong giới hạn cho phép. Giúp xe không bị mất lực bám ngang, gây hiện tượng lắc đuôi xe. 
  • Sau khi tránh được tình huống nguy hiểm, hệ thống sẽ tái áp dụng lực phanh lớn nhất để xe dừng lại kịp thời hoặc cho đến khi phát hiện tình huống khoá bánh mới.

Cấu tạo của ABS 

Về cơ bản, ABS có bốn bộ phận chính là cảm biến, bộ điều khiển, bơm thuỷ lực và các van điều chỉnh lực phanh. 

  • Cảm biến: Giúp ABS phát hiện nhanh chóng lực phanh, đo tốc độ quay, khả năng cân bằng, đo tốc độ trượt không nằm trong giới hạn an toàn thông thường. Thành phần chính của cảm biến là cảm biến tốc độ, được thông báo liên tục thông qua bộ đo lường tốc độ bằng một cái đĩa nhỏ có các khe hở nằm sát vào trục quay của bánh xe có thể phát hiện bằng quan sát thông thường. Các khe hở này gọi là vòng xung (pulser ring). Tốc độ đo lường được sẽ thông báo cho bộ điều khiển ECU. 
  • Bộ điều khiển (ECU): Electronic Control Unit là bộ điều khiển điện tử, là bộ não của ABS. Nhiệm vụ của ECU là tiếp nhận, phân tích, so sánh các thông tin mà cảm biến gửi về. Trong trường hợp nhận thấy xe rơi vào trạng thái không an toàn, ECU sẽ ra lệnh cho các bộ phận khác kích hoạt. Ngoài ra, ECU còn có tính năng ghi nhớ, dựa trên những thông số nhận được từ ABS cho lần kích hoạt trước đó. 
  • Bơm thủy lực: Bơm thủy lực ở đây cũng như trên bất cứ một hệ thống phanh đĩa nào khác với một piston và xi-lanh, tác dụng điều chỉnh lực đẩy lượng dầu tác động lên má phanh. Khi lực bóp phanh là quá lớn so với mức an toàn sẽ cần đến sự trợ giúp của van điều chỉnh.
  • Van điều chỉnh: Sẽ được di chuyển tới các vị trí cần thiết mà ở đó có thể ngăn cản bớt lực tác động vào má phanh. Khi khả năng trượt bánh không còn, các van sẽ di chuyển đến vị trí khác giúp phục hồi lực tác động mạnh nhất giúp xe dừng nhanh. Quá trình này diễn ra liên tục cho đến khi xe đạt trạng thái cân bằng ổn định nhất. 

Chiếc môtô đầu tiên sử dụng ABS là BMW K100 đời 1988. Trải qua một quãng thời gian khá dài, rất nhiều công nghệ mới được nâng cấp và áp dụng tích hợp vào ABS nhưng nhìn chung nguyên tắc hoạt động cơ bản vẫn như thời sơ khai. Cho đến nay, đây vẫn là công nghệ phanh tiên tiến, an toàn nhất lắp trên môtô.

Trái với sự suy nghĩ của đa số mọi người, hệ thống ABS không giúp chúng ta ghìm bánh xe lại nhanh hơn bình thường. Công dụng chính của ABS là giúp người lái làm chủ được tay lái trong khi phanh gấp khi bánh xe không bị khóa cứng do phanh gấp, đây quả là một trong những bước tiến vượt bậc trong kỹ thuật công nghệ. Bởi vì, nếu bánh xe bị khóa cứng trong lúc di chuyển, người lái sẽ không còn điều khiển được tay lái, xe sẽ bị đẩy đi theo quán tính, khó có thể tránh khỏi tai nạn, nhất là trong điều kiện đường trơn trượt.

ABS liệu có thực sự an toàn ? 

Thực ra có rất nhiều thắc mắc xoay quanh việc sử dụng ABS liệu có mất đi cảm giác phấn khích khi lái xe không? Câu trả lời là không, bởi lẽ ABS chỉ thực sự kích hoạt khi nó phát hiện có lực phanh bất thường gây nguy hiểm cho xe và người điều khiển xe máy. 

Tuy được phát minh để hỗ trợ rất nhiều cho người sử dụng xe máy nói chung nhưng không phải là tuyệt đối. Mức độ an toàn cũng dựa trên kỹ năng của bạn, vậy nên hãy luyện cho mình một khả năng lái xe và kỹ năng xử lý, phản xạ nhanh. Lưu ý là : 

  • Không chủ quan trong việc điều chỉnh tốc độ khi chạy và dùng phanh. 
  • Không nhấp phanh quá nhiều, việc nhấp phanh quá nhiều sẽ ảnh hưởng xấu đến hiệu quả làm việc của hệ thống đồng thời làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của phanh. 
  • Không chạy quá tốc độ và tăng tốc khi vào cua: Mặc dù hệ thống ABS khá hiện đại nhưng khi sử dụng một thời gian cùng với việc bạn chạy quá nhanh xét theo vận tốc quán tính khi phanh gấp thì xe cũng sẽ ít nhiều bị chệch hướng. Hãy điều chỉnh tốc độ phù hợp với khả năng xử lí của bạn. 

ABS & CBS - Đâu là lựa chọn tối ưu ? 

CBS (Combined Braking System) là hệ thống phanh kết hợp, giúp người điều khiển chỉ sử dụng duy nhất một tay phanh cho cả phanh trước và sau, giúp giảm quãng đường phanh và cũng tăng độ an toàn khi bóp phanh với những người lái xe thiếu kinh nghiệm. 

Khảo sát cho thấy, so với CBS thì ABS có mức độ an toàn hơn hẳn bởi nó hỗ trợ tối đa cho người điều khiển xe máy trong những tình huống bất ngờ, hạn chế rủi ro, tai nạn. Tuy nhiên mức giá của bộ ABS có hơi cao hơn so với bộ phanh CBS. 

Bảng bên dưới sẽ cho bạn thông tin cụ thể giữa 2 loại phanh : 

  Phanh ABS Phanh CBS
Ưu điểm
  • An toàn nhất
  • Kiểm soát lực kéo
  • Rút ngắn khoảng hãm
  • Tăng sự tự tin khi điều khiển
  • Tăng tuổi thọ cho phanh
  • Có thể tự bật hoặc tắt phanh ABS theo ý muốn.
  • An toàn
  • Chi phí thấp
  • Hợp với xe có công suất thấp, giá rẻ
  • Phù hợp với dòng xe commuter, cruiser và touring
  • Phù hợp với người không có kinh nghiệm lái xe.
Nhược điểm
  • Chi phí đắt, không hợp với xe máy giá rẻ
  • Không phải tính năng hoàn hảo cho đường xấu
  • Không thích hợp đối với Stunt Bike
  • Tăng khoảng cách hãm trên bề mặt trơn trượt
  • Thiết lập phức tạp
  • Bảo dưỡng khó.
  • Khó dùng đối với tay lái có kinh nghiệm
  • Gây mất tập trung đối với người lái
  • Không tốt đối với xe cao cấp và xe có công suất lớn
  • Bảo dưỡng khó
  • Không thể tắt theo ý muốn.


ABS & CBS đều có những ưu điểm và hạn chế riêng, vậy nên hãy xem xét thói quen sử dụng phanh, môi trường đi lại, thói quen lái xe của bạn mà quyết định nên chọn dòng xe nào nhé. 

Lắp thêm phanh ABS cho xe máy, nên hay không ? 

Tại Việt Nam, không nhiều xe máy được trang bị tính năng an toàn này, chỉ có một số dòng xe tay ga hạng sang như: SH 125/150, AirBlade 2020, Winner X của Honda, NVX của Yamaha, Vespa Primavera 2017/Liberty 2016 ABS... của Piaggio. Trong khi đó, các mẫu xe thường đi với tốc độ cao như: Honda Winner 150, Yamaha Exciter 150, Suzuki Raider... lại không được trang bị phanh ABS, điều này dẫn đến nhu cầu tự lắp phanh ABS cho xe máy. Câu hỏi đặt ra là có nên tự lắp thêm phanh ABS cho xe máy không?

Theo lý thuyết phanh ABS sẽ giúp an toàn hơn trong quá trình di chuyển nhưng không đồng nghĩa với việc sẽ an toàn khi bạn tự lắp thêm hệ thống này vào xe của mình là hành động an toàn tuyệt đối. 

ABS là cả một hệ thống với cảm biến, ECU, bảng điều khiển riêng... nhưng cái riêng này cũng ảnh hưởng đến "cái chung" tức là hệ thống điện của xe máy. Việc can thiệp vào hệ thống điện một cách cẩu thả có thể dẫn đến các nguy cơ chập/cháy hệ thống điện của xe và dẫn đến các tình trạng nguy hiểm cho xe (đề xe gặp vấn đề, đèn xe hoặc còi xe bị hỏng...).

Không chỉ vậy, ABS còn là một hệ thống hoạt động dựa vào khả năng chẩn đoán tự động từ cảm biến và bộ điều khiển trung tâm, nên nếu hệ thống này không chất lượng có thể gây ra những trục trặc trong quá trình hoạt động. 

Nếu thực sự muốn lắp thêm hệ thống ABS vào xe, hãy tìm cho mình một tiệm sửa chữa uy tín, tránh tình trạng “tiền mất tật mang" bạn nhé.