Hướng Dẫn Sử Dụng Điện Thoại Dẫn Đường Khi Chơi Cào Cào

Không thể phủ nhận Google Maps đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển cộng động Phượt và Du lịch tại Việt Nam. Với xe cào cào, Google Maps nó còn quan trọng hơn thế nữa. Bài viết sau sẽ cho bạn thấy cách sử dụng Google Maps và một vài ứng dụng khác để bạn có thể tìm đường, dẫn đường và thậm chí chia sẻ vị trí nhóm giữa các thành viên trong đoàn khi đi tour cào cào. 

Sử dụng điện thoại hay thiết bị dẫn đường chuyên dụng?

Sử dụng Garmin hay điện thoại? Nếu bạn đang xem bài viết này để tìm hiểu về chức năng dẫn đường, thì phần nhiều là bạn chưa có thiết bị định vị/dẫn đường chuyên dụng, chưa biết Garmin là gì hoặc sử dụng như thế nào. Do đó, lời khuyên của mình cho bạn là nên học cách sử dụng bản đồ, điều hướng và định vị bằng điện thoại smartphone, kèm các ứng dụng như Google Maps, hoặc các app mà mình sẽ giới thiệu ở bên dưới. Các thiết bị dẫn đường chuyên dụng sẽ cần một số vốn đầu tư lớn hơn, cần thời gian học và làm quen cách sử dụng, cũng như lắp đặt trên xe của mình. 

Dưới đây mình sẽ tóm tắt ưu và nhược điêm của 2 loại thiết bị, và bạn có thể tự cân nhắc sử dụng thiết bị phù hợp với điều kiện và nhu cầu của mình. 

Điện thoại Smartphone - Thiết bị mà ai cũng đã có sẵn, với Google Maps được cài sẵn. 

Ưu điểm

  • Giá rẻ
  • Màn hình cảm ứng dễ dùng
  • Ứng dụng Google Maps có sẵn bản đồ
  • Một thiết bị cho tất cả mọi việc: dẫn đường, ghi tracklog, chia sẻ vị trí, liên lạc...

Nhược điểm

  • Dễ vỡ, hư hỏng
  • Nhanh hết pin

Thiết bị dẫn đường chuyên dụng - Các thiết bị dẫn đường được thiết kế chuyên dụng cho mô tô xe máy, từ các hãng như Garmin, Trail Tech, Magellan

Ưu điểm:

  • Pin lâu hơn điện thoại
  • GPS chính xác hơn
  • Có thể có một số tính năng được thiết kế riêng cho dẫn đường và đi tour

Nhược điểm

  • Giá rất đắt
  • Giao diện sử dụng phức tạp, mất thời gian tìm hiểu và làm quen
  • Bản đồ phải tải về, không có sẵn
  • Thêm một thiết bị, thêm dây sạc, pin, thêm một thứ phải lo.

Ứng dụng dẫn đường cho điện thoại smartphone

1. Google Maps

Google Maps được cài sẵn trên tất cả các loại điện thoại smartphone, và gần như ai cũng đã biết cách sử dụng. Ưu điểm của Google Maps là bản đồ có độ chính xác rất cao, ngoài bản đồ đường đi còn có nhiều loại bản đồ khác như bản đồ vệ tinh, bản đồ Topography xác định cao độ đặc biệt khá hữu dụng khi bạn chơi cào cào địa hình. Google Maps còn có rất nhiều tính năng như dẫn đường turn - by - turn (chỉ sử dụng khi đi đường nhựa), cập nhật tình trạng giao thông và dự báo kẹt xe... Tuy nhiên nhiều tính năng như vậy cũng chính là nhược điểm của Google Maps, làm cho nó nặng và cồng kềnh, đòi hỏi cấu hình điện thoại cao mới sử dụng trơn tru. Google Maps cũng khá ăn pin, và định vị kém trong trường hợp sóng điện thoại hạn chế. Ở điều kiện điện thoại mất sóng, Google Maps định vị khá lâu và kém chính xác. 

2. Maps.me

Maps.me là một ứng dụng bản đồ được thiết kế cho người đi du lịch, với các tiêu chí gọn nhẹ, và bản đồ có thể download vào app để sử dụng được. Với những bạn hay chơi cào cào địa hình, thì tính năng hữu ích chính của Maps.me đó chính là khả năng tải bản đồ file .kml.klz vào ứng dụng, để có thể đi theo. Maps.me không hao pin nhiều như Google Maps, thân thiện với điện thoại cấu hình thấp, và vẫn có thể nhận biết vị trí khá chính xác kể cả khi điện thoại không có sóng. Maps.me cũng là ứng dụng mà cả Linh, Thái và Jon tại Chrunix và Tigit sử dụng mỗi khi dẫn tour. 

3. Rever

Khác với những ứng dụng kể trên đơn thuần chỉ là "bản đồ", Rever được thiết kế gần giống với một mạng xã hội, nơi mà bạn có thể chia sẻ tracklog, cung đường mà bạn đã đi qua cho những người mà bạn kết bạn trên Rever. Bạn bè kết bạn với bạn trên Rever có thể thấy vị trí thực của bạn trên bản đồ, dựa vào đó bạn có thể quản lý nhóm tốt hơn mỗi khi đi tour. Tuy nhiên, để download map về và chỉnh sửa thì bạn cần phải trả một khoản phí subscription cho Rever. 

4. Thiết bị định vị chuyên dụng Garmin

Nếu bạn đã có file bản đồ sẵn, chỉ việc đi theo, và không quá quan trọng chuyện tìm đường đi mới hay tham khảo địa hình mới, thì sử dụng Garmin cũng... tạm chấp nhận được. Ưu điểm: gọn nhẹ tiện lợi, pin dùng lâu hơn điện thoại, bật suốt ngày không lo hết pin. Nhược điểm: giá quá đắt, màn hình nhỏ xíu và tối, khó theo dõi khi chạy xe, thao tác cực kỳ khó khăn. 

Ứng dụng vẽ bản đồ đường đi

1. Google Maps

Google một lần nữa lại on top với tính năng vẽ bản đồ free Google My Maps của mình. Ứng dụng vẽ bản đồ của Google khá hoàn hảo và đầy đủ tính năng, bạn có thể vẽ đường, thêm checkpoint, thêm khách sạn, quán cà phê có sẵn dọc đường đi... Đại khái là bạn có thể lên kế hoạch toàn bộ hoạt động của chuyến đi lên Google My Maps. Tất cả những bản đồ bạn đã vẽ có thể chia sẻ cho bạn bè, hoặc chia sẻ public, và sẽ được đồng bộ vào ứng dụng Google Maps của bạn, khi cần chỉ cần mở lên và đi theo. 

2. Garmin Basecamp

Có một thời gian mình sử dụng thiết bị dẫn đường Garmin, do đó cần phải sử dụng phần mềm Basecamp của Garmin để vẽ bản đồ đường đi. So với Google, Basecamp có giao diện vẽ bản đồ "từ thế kỷ trước", nhìn như windows 95 hồi xưa, và cũng không thân thiện mấy. Với đa số người dùng, phần mềm này quá phức tạp và quá tốn thời gian để vẽ và tìm hiểu cách vẽ. 

Ghi lại hành trình - tracklog

Để ghi lại hành trình (tracklog) bạn có thể sử dụng thiết bị định vị chuyên dụng Garmin, nếu dư dả tiền, hoặc sử dụng ứng dụng Geo Tracker hoặc Ride With GPS. Có nhiều ứng dụng có thể ghi lại hành trình, nhưng nếu mục tiêu của bạn là ghi lại hành trình để có thể tải về và chỉnh sửa, thì không phải ứng dụng nào cũng cho phép tải về. Dưới đây là 3 giải pháp cho phép bạn ghi lại hành trình và tải về file dưới dạng .gpx, .kml và .kmz

Garmin - chỉ cần bật máy lên và bỏ vào ba lô, không cần quan tâm tới, không lo bị hao pin điện thoại. Khi mình thấy Garmin quá bất tiện để sử dụng cho việc dẫn đường thì đây là công dụng duy nhất của cái máy giá 5 triệu đồng. 

GeoTracker  - GeoTracker là ứng dụng có thể cài đặt trên điện thoại smartphone Android, chỉ cần bật lên và bấm nút Record để bắt đầu ghi lại hành trình. Nhược điểm là sẽ hao pin điện thoại, độ chính xác của vị trí GPS kém hơn Garmin.

Ride With GPS - Ride With GPS cũng tương tự như GeoTracker, nhưng dành cho điện thoại Iphone.