Hướng dẫn tự thay dầu/nhớt xe máy

Dầu bôi trơn hay còn gọi là nhớt có vai trò bảo vệ, giúp động cơ xe vận hành ổn định. Trong quá trình làm việc, với điều kiện đường không bằng phẳng, nhiều đất bụi như Việt Nam thì sau một thời gian nhớt cũng sẽ xuống cấp do lẫn bụi, cặn hay các mạt kim loại. Vì thế các hãng xe đều khuyến cáo nên thay dầu nhớt định kỳ theo lịch bảo dưỡng trong sách hướng dẫn sử dụng từng loại xe.

Tuy nhiên không phải ai cũng có thời gian mang xe ra tiệm, hay hãng để thay nhớt định kỳ, đặc biệt là đối với những dòng xe có khoảng cách thay nhớt ngắn (mỗi 1000km). Vậy các bạn nghĩ sao về việc “tự tay thay nhớt”? Đối với nhiều người thì việc tự tay thay nhớt cho xe của mình có thể coi như một bước tiến vượt bậc.

Thay nhớt là một khâu bảo dưỡng tương đối đơn giản nhưng cực kỳ cần thiết. Việc tự tay thay nhớt có thể tiết kiệm được một khoản tiền, giúp người lái hiểu hơn về chiếc xe đồng thời kiểm tra phát hiện được những lỗ hổng nhỏ trước khi nó trở thành những vấn đề nghiêm trọng. Sau cùng, ai sẽ quan tâm đến chiếc xe nhiều nhất: người lái hay thợ sửa xe mới vào nghề ở những tiệm ven đường?

Bài viết này sẽ hướng dẫn những bước cơ bản về tự bảo trì, thay nhớt xe máy một cách đơn giản nhất, kể cả những người chưa từng cầm cờ lê tháo một con ốc, hay bộ phận nào của xe cũng có thể làm được.

Kiểm tra dầu nhớt

Đầu tiên ta tiến hành kiểm tra tình trạng và lượng nhớt hiện có. Như chúng ta đều biết, nhớt đóng nhiều vai trò quan trọng trong sự vận hành động cơ, việc kiểm tra nhớt sẽ giúp kiểm soát độ ổn định,  chẩn đoán được vấn đề khi có sự khác biệt để sớm khắc phục và sửa chữa tránh để lâu ảnh hưởng nặng nề đến động cơ. Bạn có thể tham khảo bài viết chi tiết hơn về hướng dẫn thăm nhớt xe máy.

Những dấu hiệu, triệu chứng cho thấy động cơ đang gặp vấn đề:

  • Lượng nhớt quá thấp (do rỉ nhớt hoặc động cơ ăn nhớt)
  • Nhớt có màu trắng đục như sữa (nhớt bị lẫn nước mát)
  • Nhớt bị lẫn các tạp kim loại (ma sát bất thường giữa các bộ phận)

Khi đã hoàn thành bước kiểm tra và không có vấn đề nghiêm trọng nào thì chúng ta có thể tiến hành thay nhớt. Các bước có thể khác nhau giữa các dòng xe, cấu tạo xe có máng dầu phụ hay không, sử dụng lọc nhớt thô hay lọc nhớt ly tâm. Tuy nhiên các bước sau là hướng dẫn chung nhất có thể áp dụng cho mọi dòng xe: xả nhớt cũ - thay lọc nhớt - thay nhớt mới. 


Xả nhớt cũ

Để việc xả nhớt được thuận lợi, tốt nhất nên nổ máy xe một lúc để làm nóng, tăng độ loãng của nhớt để xả được nhanh và sạch hơn, đặc biệt là với những động cơ sử dụng nhớt siêu đặc (Harley). Chú ý thao tác cẩn thận tránh để bỏng do nhớt, động cơ hay bô xe. 

Mỗi loại xe sẽ có vị trí ốc xả nhớt khác nhau. Đọc kỹ cuốn hướng dẫn để xác định chính xác vị trí của ốc xả nhớt vì nếu tháo nhầm ốc có thể gây ra một số ảnh hưởng nhất định đến sự vận hành động cơ, hay thậm chí là gây hư hại. Có thể mở nắp châm nhớt ra trước để thông khí, nhớt sẽ ra nhanh hơn. Lưu ý không đề xe khi không có nhớt bên trong. 

Sẽ mất một lúc để xả toàn bộ nhớt cũ, trong khi chờ đợi có thể vệ sinh ốc nhớt và long đền nhôm hay phớt cao su (có vai trò làm kín giữ nhớt không bị rỉ, tùy loại ốc mà sử dụng long đền hoặc phớt cao su khác nhau). Khi toàn bộ nhớt cũ đã được xả hết (có thể nghiêng xe qua lại để đảm bảo không còn nhớt cũ đọng bên trong), vặn ốc nhớt về đúng vị trí ban đầu với lực vừa phải, siết quá cứng có thể gây nứt mẻ hoặc biến dạng long đền dẫn đến rò rỉ / xì nhớt.


Thay lọc nhớt

Lọc nhớt có vai trò lọc cặn bẩn của nhớt trong quá trình xe vận hành, duy trì độ bền động cơ. Vì thế đây cũng là một bộ phận khá quan trọng nên vệ sinh và thay thế thường xuyên. Nhà sản xuất khuyến cáo cứ 3 lần thay nhớt nên có 1 lần thay lọc nhớt.

Tùy dòng xe, tùy loại lọc nhớt thô hay ly tâm mà có cách tháo lắp cũng như dụng cụ chuyên dụng khác nhau. Với dụng cụ thì có thể tham khảo một số diễn đàn xe máy hoặc video trên Youtube để biết rõ hơn dụng cụ nào phù hợp (hay không phù hợp) với dòng xe của mình. Lọc nhớt thô thường nằm sâu trong máy nên các bạn nhớ lưu ý thứ tự tháo lắp để không bị nhầm lẫn. Lọc nhớt ly tâm nằm gần ngoài nên tương đối dễ tháo hơn.

Sau khi tháo ra và vệ sinh (hoặc thay mới), nên bôi một ít nhớt lên phớt cao su để tạo độ trơn, giảm ma sát giữa đầu lọc với bề mặt gắn tránh gây mòn, đứt phớt và giúp bám sát hơn. Một cách khác, bạn có thể cho một lượng nhớt mới vừa đủ trực tiếp vào đồ lọc, đồng thời hạn chế được thời gian động cơ chờ nhớt, cách này chỉ áp dụng với một số loại lọc nhớt nhất định nên hãy tìm hiểu kỹ để có thể lựa chọn cách làm phù hợp. Lắp lọc nhớt vào đơn giản hơn rất nhiều so với tháo ra mà không cần dụng cụ chuyên dụng, tuy nhiên hãy chú ý kiểm tra vị trí, bề mặt gắn một cách cẩn thận trước khi lắp lọc nhớt. 


Thay nhớt mới

Một điều lưu ý là không nên sử dụng nhớt ô tô cho xe máy, thành phần nhớt khác nhau có thể gây hư hỏng một số bộ phận, vì thế chỉ nên sử dụng nhớt chuyên dụng dành cho xe máy. 

Một số lưu ý khi thay nhớt mới:

  • Chú ý nhãn mác, chất lượng nhớt trước khi cho vào.
  • Chọn mua nhớt xe máy phù hợp với động cơ xe (có thể tham khảo sách hướng dẫn bảo trì xe máy).
  • Không nên sử dụng nhớt ô tô cho xe máy, do thành phần khác nhau có thể gây hư hỏng động cơ. Vì thế chỉ nên sử dụng nhớt chuyên dụng dành cho xe máy. 
  • Dung tích vừa đủ, nếu thiếu sẽ dẫn đến không đủ lượng dầu bôi trơn động cơ. Ngược lại, khi mức dầu quá cao có thể chịu tác động của trục khuỷu khiến dầu lên bọt cũng làm giảm khả năng bôi trơn. Nếu lỡ cho vào lượng nhớt nhiều hơn cần thiết thì tốt nhất nên xả bớt ra còn hơn để nó phá động cơ và phải thay lại toàn bộ.

Sau khi hoàn tất thay nhớt, đóng nắp châm nhớt, khởi động xe một lúc để nhớt chảy đều động cơ và đồ lọc. Kiểm tra áp suất bằng cách quan sát đèn báo hoặc sử dụng đồng hồ đo nhớt (nếu có). Sau đó tắt máy và kiểm tra lại lượng nhớt theo hướng dẫn trong cuốn bảo trì, tùy dòng xe mà kiểm tra trên chống đứng hoặc chống nghiêng. 

Chúng ta đã hoàn tất việc thay nhớt, thật đơn giản đúng không nào. Giờ thì tiếp tục chuyến đi thôi!