DOT, SNELL, ECE - Tiêu chuẩn an toàn cho mũ bảo hiểm là gì?

Khi lái xe trên đường, sẽ có những lúc tai nạn bất ngờ ập đến mà bạn không thể lường trước được. Đối với xe hơi thì dây đai an toàn kết hợp với túi khí sẽ giảm đáng kể lực tác động gây chấn thương lên cơ thể. Còn đối với xe máy, khả năng chấn thương vùng đầu sẽ tăng lên gấp nhiều lần, đầu bạn có khả năng va đập vào mặt đường, ghi đông hay thậm chí là vào các phương tiện đi ngược chiều. Do đó, một chiếc mũ bảo hiểm có chất lượng và thiết kế đúng tiêu chuẩn an toàn chính là vị cứu tinh bảo vệ bạn khỏi những chấn thương nghiêm trọng vùng đầu. Vậy tiêu chuẩn an toàn dành cho mũ bảo hiểm là như thế nào? 

Các quốc gia châu Âu, châu Mỹ và các quốc gia phát triển nói chung đã quá quen thuộc với các bộ tiêu chuẩn đánh giá mức độ an toàn của mũ bảo hiểm trên thị trường: DOT, ECE, SNELL hoặc MIPS. Dựa vào các quy chuẩn an toàn này, người tiêu dùng có thể biết được những hình thức kiểm tra chất lượng đã được tiến hành trên chiếc mũ đó, qua đó biết được khả năng và mức độ bảo vệ của nó.

Tiêu chuẩn an toàn DOT

Bộ giao thông vận tải Hoa Kỳ (United States Department of Transportation - viết tắt "DOT") là đơn vị đưa ra bộ tiêu chuẩn an toàn DOT dành cho mũ bảo hiểm. Bộ tiêu chuẩn này quy định các bài kiểm tra mà một chiếc mũ phải vượt qua trước khi được tung ra thị trường tại Mỹ. Người tiêu dùng có thể nhận biết dễ dàng mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn này bằng ký hiệu DOT nằm ở phần sau gáy của mũ.

Hầu hết mũ bảo hiểm ở Mỹ đều có tem chứng nhận DOT, tiêu chuẩn này đã vượt ra khỏi biên giới Mỹ và được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia khác. Tiêu chuẩn an toàn DOT bao gồm các bài kiểm tra về độ hấp thụ lực tác động, độ chống xuyên thấu và cả độ chắc chắn của dây gài mũ. Độ lớn của lực tác động ở từng cấp độ được quy định và ban hành bởi DOT.

 Tuy nhiên, bộ quy chuẩn DOT vẫn còn một số điểm chưa hợp lý. Thứ nhất, bộ tiêu chuẩn DOT vẫn chưa có bản cải cách nào từ năm 1972, có nghĩa là tiêu chuẩn an toàn DOT vẫn chưa thay đổi trong gần 50 năm qua. Thứ hai, tiêu chuẩn DOT là một bộ tiêu chuẩn tự ràng buộc và tự đánh giá, đồng nghĩa với việc các công ty sản xuất thiết kế mũ bảo hiểm tự đưa ra các bài kiểm tra của họ (theo tiêu chuẩn DOT) nên sự đánh giá sẽ mang tính chủ quan, họ có thể gắn mác DOT bất cứ khi nào họ cảm thấy sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn. Do đó, tất cả các nón có gắn nhãn DOT đều đạt chuẩn trên lý thuyết cho đến khi bộ GTVT Hoa Kỳ tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên các mẫu nón trên thị trường.

Hệ thống đánh giá an toàn của DOT đã bị chỉ trích bởi nhiều người, đơn cử là Fortnine.ca ở video này, về việc phụ thuộc hoàn toàn và quá tin tưởng vào các công ty sản xuất mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, mũ bảo hiểm đạt chuẩn DOT vẫn tốt hơn 90% mũ bảo hiểm không tiêu chuẩn ở Việt Nam. 

Tiêu chuẩn an toàn ECE 22.05

Ủy ban kinh tế châu Âu - Economic Commission for Europe (ECE) - cũng đã ban hành một bộ quy chuẩn kiểm tra của riêng họ, dành cho mũ bảo hiểm dùng trong giao thông đường bộ. Bộ tiêu chuẩn này đã được Ủy ban Kinh tế châu Âu cập nhật nhiều lần kể từ khi ban hành, với phiên bản đầu tiên được đặt tên là ECE 22, và bộ tiêu chuẩn hiện tại đang ở phiên bản cập nhật lần thứ năm (ECE 22.05).

Bộ tiêu chuẩn an toàn ECE được cho là gắt gao hơn so với DOT, với các bài kiểm tra độ hấp thụ lực tác động, độ chống xuyên thấu và độ chắc chắn của quai đeo. ECE hiện là bộ tiêu chuẩn an toàn phổ biến nhất thế giới với hơn 50 quốc gia nhận diện đây là bộ tiêu chuẩn an toàn chính thức của nước họ.

 

Với những mũ bảo hiểm đạt chuẩn, bạn sẽ thấy ký hiệu ECE ở phía sau gáy của mũ bảo hiểm (tương tự DOT) kèm theo số hiệu của quốc gia thực hiện bài kiểm tra trên quai đeo mũ. Ví dụ: nếu bạn thấy ký hiệu E6 ở quai đeo một chiếc mũ, thì có nghĩa là mũ này đã được kiểm tra ECE ở Bỉ (Belgium).

Nhược điểm duy nhất ở bộ tiêu chuẩn ECE chính là: các bài kiểm tra chỉ được thực hiện ở một vị trí cố định trên thân mũ, và vị trí kiểm tra đó chưa bao giờ thay đổi. Nếu nhà sản xuất muốn một mẫu mũ đạt chuẩn ECE, , họ đơn giản chỉ cần gia cố vị trí bị kiểm tra, và vượt qua một cách dễ dàng.

Mã quốc gia trên quai đeo của chuẩn ECE:

  • E1: Đức
  • E2: Pháp
  • E3: Ý
  • E4: Hà Lan
  • E6: Bỉ
  • E11: Anh

ECE không phải là một bộ tiêu chuẩn hoàn hảo, tuy nhiên có thể nói rằng tất cả những mẫu mũ bảo hiểm đạt chuẩn ECE đều đã được trải qua các bài kiểm tra giám định độ an toàn.

Tiêu chuẩn an toàn SNELL

Một người tiêu dùng bình thường sẽ rất khó để có thể phân biệt bộ tiêu chuẩn an toàn nào là "tốt nhất" hoặc "an toàn nhất". Tuy nhiên, SNELL tự khẳng định mình là "bộ tiêu chuẩn an toàn cao nhất dành cho mũ bảo hiểm"

Khác với quy trình giám định và các cấp độ tiêu chuẩn an toàn của DOT, đối với SNELL, nhà sản xuất phải đăng ký kiểm tra cho mẫu mũ bảo hiểm của họ, sau khi gửi mẫu kiểm tra và được cấp chứng chỉ tiêu chuẩn an toàn từ SNELL thì mẫu mũ bảo hiểm mới chính thức được mang ký hiệu SNELL.

SNELL impact test

So sánh với DOT, thì cả SNELL và DOT đều kiểm tra lực tác động của thân mũ khi va chạm mặt phẳng, sau đó đo lực G truyền qua lớp lót mũ ở bên trong (càng nhỏ càng tốt). DOT quy định lực G tối đa được truyền qua lớp lót mũ là 400G, và Snell quy định là 300G. SNELL khẳng định rằng tất cả các bài kiểm tra của họ đều có độ khó bằng hoặc hơn các bài kiểm tra tương tự của DOT. Do đó, một mũ bảo hiểm đạt chuẩn SNELL thì chắc chắn sẽ đạt chuẩn DOT, tuy nhiên mũ đạt chuẩn DOT chưa chắc đã đạt chuẩn SNELL.

Bảng sau đây so sánh kết quả các bài kiểm tra giữa SNELL và DOT

Tiêu chuẩn an toàn SHARP

SHARP là bộ tiêu chuẩn an toàn được phát triển bởi Bộ Giao Thông của Anh Quốc, với mục đích giúp người tiêu dùng dễ dàng hơn trong việc đánh giá chất lượng và độ an toàn của các mẫu mũ bảo hiểm trên thị trường, đồng thời cung cấp các thông tin về tiêu chuẩn kích cỡ và các tính năng khác của mũ bảo hiểm nếu có. 

SHARP đồng thời cũng đặt tiêu chuẩn cho các bài kiểm tra độ an toàn cao hơn hẳn so với tất cả các bộ tiêu chuẩn khác ở trên. Cụ thể với các bài kiểm tra về khả năng hấp thụ lực va đập trên mặt phẳng, SHARP nâng lực tác động lên cao hơn 30% so với bài kiểm tra cùng hạng mục của ECE.

SHARP khẳng định rằng "mọi mẫu mũ bảo hiểm đều phải vượt qua 30 bài kiểm tra về khả năng hấp thụ lực tác động trực tiếp theo phương thẳng đứng, 2 bài kiểm tra về khả năng hấp thụ lực tác động theo góc xiên 45 độ để có thể đạt tiêu chuẩn an toàn SHARP. 32 bài kiểm tra này phải được thực hiện trên 7 mũ bảo hiểm của mẫu đó, với 3 tốc độ tác động khác nhau (6, 7.5 và 8 m/s) theo bảng dưới đây:

SHARP còn thực hiện các bài test trên khu vực bảo vệ cằm (chin bar) của mũ bảo hiểm. Các mẫu mũ lật hàm cũng có các bài kiểm tra riêng để đánh giá độ an toàn dựa trên số lần hàm mở ra hoặc văng ra khi xảy ra va chạm. Khả năng hấp thụ lực tác động của một chiếc mũ bảo hiểm được SHARP thể hiện bằng mã màu trên thân mũ, và sau đó tổng kết điểm theo thang điểm từ 1 đến 5 sao.

Công nghệ MIPS cho mũ bảo hiểm

MIPS viết tắt cho Multi-direction Impact Protection System - tạm dịch là Hệ Thống Bảo Vệ Tác Động Đa Chiều, thực chất là một lớp lót mũ đặc biệt, có khả năng trượt độc lập với khoảng cách 10-15mm theo tất cả các hướng so với vỏ mũ.

Khi có một va chạm xảy ra, đầu của người đội mũ bảo hiểm sẽ có khả năng chịu nguy hiểm từ hai loại lực: lực va đập trực tiếp và lực xoay. 

Hầu hết mọi người đều có thể hiểu và hình dung được lực va đập được tạo ra như thế nào trong một va chạm. Nhưng còn lực xoay được tạo ra từ đâu và như thế nào? Khi xảy ra va chạm ở tốc độ cao, do lực ma sát giữa cơ thể người và mặt phẳng va chạm, phần cơ thể của người lái luôn có xu hướng xoay và lộn nhiều vòng. Điển hình có thể thấy các vụ tai nạn ở Moto GP, hầu hết thân người lái đều bị văng và lộn nhiều vòng trước khi dừng lại. Lực xoay tương tự như vậy cũng được tạo ra giữa phần đầu và mũ bảo hiểm, và là nguyên nhân chính của hầu hết chấn thương đầu và não, do không phải mũ bảo hiểm nào cũng được trang bị công nghệ MIPS. Bằng cách cho phép não bộ và đầu xoay độc lập so với vỏ mũ, MIPS có thể giảm thiểu đáng kể tác động của lực xoay lên não bộ của người sử dụng.

Bell helmet with MIPS technology

Mũ bảo hiểm có công nghệ MIPS hiện đã được áp dụng rộng rãi với các môn thể thao có rủi ro cao như môn xe đạp địa hình, các cuộc đua enduro, motocross và các môn thể thao trên tuyết. Tuy nhiên MIPS cũng đồng thời làm tăng giá thành của mũ bảo hiểm lên từ $20 - $50, và cũng chiếm một phần trọng lượng của mũ bảo hiểm.

Vậy nên chọn mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn an toàn nào?

An toàn nhất có lẽ là một chiếc mũ bảo hiểm đạt đầy đủ tất cả các tiêu chuẩn DOT, ECE, SNELL và được trang bị thêm công nghệ MIPS, tuy nhiên điều đó cũng có nghĩa là cái giá của nó sẽ không hề rẻ, có khi bằng giá trị của một con xe bạn đang chạy. Và bạn cũng cần cân nhắc đến mục đích sử dụng của chiếc mũ bạn sắp mua là gì. 

Thực tế thì, bạn chỉ cần một chiếc mũ đáp ứng một trong các tiêu chuẩn kể trên là đủ cho nhu cầu sử dụng hàng ngày. Nếu bạn sở hữu một chiếc xe phân khối lớn, thường xuyên đi các tour kéo dài nhiều ngày, hoặc bạn có tham gia vào các hoạt động mạo hiểm phải chạy xe ở tốc độ cao thì bạn cần cân nhắc đến một chiếc mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn an toàn cao hơn, tích hợp nhiều công nghệ hơn. 

Đa số mọi người vẫn còn đang xem nhẹ về độ an toàn và tầm quan trọng của một chiếc mũ bảo hiểm, khi mà loại mũ bảo hiểm phổ biến nhất trên thị trường hiện nay có lẽ vẫn là loại mũ nửa đầu chỉ dày hơn một cái nón kết không bao nhiêu.