Top 6 Ngộ Nhận Sai Lầm Thường Thấy Về Xe Cào Cào

Xe cào cào mặc dù mới nổi những năm gần đây, tuy nhiên vẫn còn là một thú chơi xe xa lạ đối với đa số người Việt Nam. Dưới đây là những câu hỏi và ngộ nhận về xe cào cào phổ biến nhất, kể cả trong các hội nhóm chơi xe cào cào. 

1. Cào cào là phải bay

Không phủ nhận phần lớn hình ảnh quảng cáo và truyền thông về xe cào cào mà bạn thường thấy trên TV là ảnh một con cào cào đang bay tầm chục mét trên trời. Thực tế, cào cào để bay được cần phải là loại xe cào cào chuyên dụng, người lái có kỹ thuật cực tốt, và bay trong đúng môi trường được tạo ra cho nó. Môn chơi cào cào mà bạn có thể thấy hoạt động bay nhảy nhiều nhất là các giải đua motocross, supercross và Freestyle Motocross (FMX). Tuy nhiên ngoài những kiểu chơi và giải đua ở trên ra, cào cào còn có nhiều hoạt động và thể loại xe khác không chú trọng nhiều vào bay nhảy hoặc tốc độ, mà là sức bền, kỹ thuật vượt địa hình và nhiều kỹ năng khác nữa. 

Để bay được con xe cào cào bạn sẽ cần phải dùng các loại xe chuyên nghiệp, với máy đủ mạnh và dàn phuộc để cứng để có thể đáp xuống an toàn, chứ không phải xe nào bay rồi cũng có thể "đáp" xuống đất an toàn để bay lần hai. Do đó mỗi lần nhìn thấy mấy con cào cào 150 phân khối ngoài phố thì bạn đừng cười khi người ta trả lời là bay không được. 

2. Cào cào chạy 299

"Xe này chạy dữ lắm phải không?" 

"Xe này hết ga hết số tầm 200/300 không?"

Rồi sau đó là mặt thất vọng ngỡ ngàng khi mình bảo chạy được 100 là dữ lắm rồi, lốp gai đi đường nhựa trên trăm thì có lẽ nhấp thắng là răng không còn. Xe cào cào trừ những loại xe dual-sport được thiết kế hộp số phù hợp để đi tour tốc độ đường dài, thì đa phần bị giới hạn tốc độ ở khoảng 100-120km/h. Thiết kế của xe cào cào từ dàn khung, phuộc, lốp xe, thắng, hộp số và tỷ số truyền động được tối ưu để vượt địa hình, tăng tốc quãng ngắn và sức kéo lớn, chứ chưa bao giờ được thiết kế để chạy 299km/h trên đường nhựa. 

3. Cào cào chạy thua xe chở gỗ

Cái này thực ra không phải ngộ nhận, mà là sự thật. Cào cào được thiết kế để đi địa hình với tốc độ nhanh là chính, còn về mặt kỹ thuật để đi qua những địa hình khó, thì hoàn toàn phụ thuộc vô kỹ năng của người lái. Với những anh em dân văn phòng lâu lâu xách xe vô rừng chơi cuối tuần, thì làm sao so được với dân chở gỗ ngày nào cũng offroad kiếm sống? Dù vậy, chỉ so sánh khả năng của xe cào cào với xe chuyên đi rừng ở một đoạn đường ngắn trong rừng, là rất khập khiễng, vì xe chở gỗ không thể bào vài trăm km một ngày như xe cào cào được. 

Hội nhóm offroad ngoài nhóm chơi xe cào cào ra, còn có "Hội Xe Cỏ Offroad". Đây là kiểu chơi hoàn toàn khác, sử dụng những xe phổ thông được độ "khủng" để đi các cung đường rừng gần như bất khả thi với xe cào cào. Không chú trọng nhiều tới tốc độ, môn chơi này đòi hỏi nhiều kiến thức và tính toán cùng lên chiến lược cho mỗi cung đường khác nhau. 

4. Cào cào mắc tiền chắc là bền khỏi phải sửa

Sai lầm này thường dẫn đến bài học đắt giá cho những bạn mới chơi xe cào cào đã quất ngay con xe chuyên nghiệp. Xe cào cào trừ những loại xe phổ thông được thiết kế để sử dụng hàng ngày, còn lại đa số đều là xe có công suất hiệu năng cao, đi kèm với lịch bảo trì bảo dưỡng cụ thể tính theo giờ hoạt động của động cơ. Xe cào cào không phải không bền, nhưng do hoạt động ở công suất cao hơn nên các chi tiết của xe hao mòn sớm hơn, và cần bảo trì thường xuyên hơn. Xe cào cào cũng hoạt động trong môi trường khắc nghiệt, bị văng quật va đập trong môi trường cát, nước, sình lầy... nên lẽ dĩ nhiên cũng hao mòn nhanh hơn xe phổ thông chỉ dùng đi làm và đi chợ. 

5. Cào cào xe nhỏ dễ chạy hơn các xe 1000cc

"Mình quen chạy S1000RR nên tìm con cào cào 1000cc chạy cho đỡ hụt hẫng"

Câu hỏi này lâu lâu cũng rộ lên trong các group và hội nhóm chơi xe cào cào, tất nhiên là của những bạn mới tìm hiểu. Xe cào cào nhìn chung chỉ đến mức 500 phân khối là hết khả năng của người chạy. Các giải đua cào cào chuyên nghiệp cũng giới hạn dung tích máy của xe tham gia ở mức 450cc 4T. Tất nhiên vẫn có những xe cào cào lên đến 700cc, nhưng đó là những xe dual-sport phổ thông, được nhà sản xuất tăng dung tích máy để giảm vòng tua nhưng vẫn giữ được tốc độ và lực kéo lớn, với mục tiêu tăng độ bền cho động cơ. 

Với các loại xe cào cào dòng chuyên, thì dung tích máy càng lớn thường đồng nghĩa với việc xe càng to cao, và người lái cần có thể lực thể hình cùng kỹ năng phù hợp mới có khả năng "nài" được con xe đó đến hết ngày. Số lượng người chơi có thể điều khiển được những con cào cào 450 trong các hội nhóm chơi cào cào ở Việt Nam đếm trên đầu ngón tay, và những người đó cũng có thâm niên chơi xe tính bằng chục năm. 

6. Chơi cào cào nguy hiểm hơn các môn chơi xe khác

Môn thể thao nào cũng có mức độ rủi ro nhất định của nó của nó, thực tế là cào cào mang tính rủi ro tương đối thấp so với các kiểu chơi xe mô tô khác ở Việt Nam. Các nhóm chơi cào cào hiện nay quy định khá gắt gao về việc mang đủ trang bị bảo hộ mỗi khi tham gia tour nhóm hoặc vào track để chạy vì chơi cào cào là đảm bảo té, nhưng chỉ té ở tốc độ 30-40km/h. Ngoài ra, khả năng sống sót sau khi té của cào cào là khá cao, vì bạn thường chơi trong môi trường track đua khép kín, hoặc chơi ở các cung địa hình trong rừng, nơi hoàn toàn không có giao thông qua lại.