Trang Bị Bảo Hộ Cào Cào

Bạn không nhất thiết phải đầu tư một bộ gear mới hoàn toàn để có thể tham gia những tour offroad cuối tuần cùng bè bạn. Đọc và tìm hiểu tính năng và công dụng của từng loại trang bị, và dựa vào đó bạn sẽ biết được mình cần đầu tư thêm những gì, và những gì có thể tận dụng hoặc sử dụng kết hợp với những loại xe khác, nhưng tour khác. 

Mũ bảo hiểm cào cào

Mũ bảo hiểm là trang bị đầu tiên mà bạn cần phải có mỗi khi leo lên xe. Một chiếc mũ bảo hiểm tốt có khả năng bảo vệ bạn khỏi những chấn thương nguy hiểm đến tính mạng. Tìm hiểu thêm về mũ bảo hiểm bảo vệ bạn như thế nào?

Mũ bảo hiểm dành cho cào cào có thiết kế khác hẳn mũ fullface thông thường. Tùy vào mức độ của tour, level và trình độ chạy của từng người, mà bạn cần cân nhắc mua và sử dụng đúng loại mũ bảo hiểm. 

Mũ fullface vẫn có thể sử dụng cùng với xe cào cào trên những cung đường đất nhẹ. Nếu chỉ sử dụng những mẫu xe dualsport Honda XR150, CRF150, hay Yamaha XTZ125 đi phượt khám phá nhẹ nhàng, bạn vẫn có thể sử dụng cùng một chiếc mũ fullface mà bạn dùng để đi trên những con xe naked như Yamaha FZ150i để chạy cào cào. 

Tuy nhiên, ngay khi vào những cung đường sình lầy trơn trượt một tí, bạn sẽ cần một chiếc mũ bảo hiểm thông thoáng hơn mới có đủ sức mà vật lộn với xe cào cào. Lúc này thay vì chỉ là đi du lịch thông thường, thì bây giờ bạn đang chơi một môn thể thao gọi là vật lộn với xe. Ngoài sự thông thoáng và nhiều cổng lấy gió ra, mũ cào cào còn có phần mũi che nắng và gạt cành cây, giúp bạn không bị cây đâm vào mặt khi di chuyển dưới những tán cây rậm rạp. Một chiếc mũ cào cào cơ bản không quá đắt tiền cũng đủ để bạn sử dụng ở hầu hết cung đường offroad ở Việt Nam.

Cân nhắc giữa mũ cào cào dualsport và mũ cào cào kính rời khi chọn mua. Mũ dualsport nhìn cũng giống như mũ cào cào, nhưng được thiết kế để có thể sử dụng tốt trên đường nhựa, và ít bị cản gió ở tốc độ cao. Mũ dualsport còn được tích hợp những tính năng tiện ích dành cho tourer như kính chắn gió, lỗ gắn tai nghe bluetooth hai bên khoang tai của nón, kính râm che nắng, và nhiều thứ khác nữa. Mũ dualsport cũng có thể tháo hẳn kính chắn gió ra và sử dụng kèm với kính goggle như một mũ cào cào chuyên nghiệp. 

Mũ cào cào kính rời thiết kế đặc biệt cho bộ môn thể thao địa hình nên sẽ không có những chức năng tiện ích sử dụng trên cao tốc và quốc lộ như kính chắn gió, kính râm... ngược lại được tinh giản tối thiểu để đảm bảo nón nhẹ và thoáng nhất có thể. Tất nhiên vì lý do đó nên mũ kính rời không an toàn lắm nếu sử dụng ở tốc độ cao như trên quốc lộ, đồng thời mũi che nắng cũng sẽ cản gió rất nhiều. Đầu tư mũ cào cào kính rời khi bạn đã có những mũ bảo hiểm khác để sử dụng cho những mục đích khác. 

Kính bảo hộ cào cào

Vậy là bạn đã quyết định mua một chiếc mũ cào cào chuyên dụng sử dụng với kính bảo hộ goggle rời? Mua kính goggle thực chất bạn chỉ cần cân nhắc về độ rộng của tròng kính, đặc biệt khi sử dụng kèm với mũ cào cào Dual Sport. Mũ Dual Sport có khoang nhìn nhỏ hơn mũ cào cào MX một xíu, nên không hẳn tất cả các mẫu kính bảo hộ trên thị trường đều sẽ mang vừa. Ngoài bảo vệ mắt khỏi cành cây, kính cào cào goggle còn bảo vệ bạn khỏi đá văng từ bánh xe trước, thấm hút mồ hôi chảy từ trên trán xuống, và chống bụi vào mắt của bạn. Do đó lốp mút bảo vệ xung quanh kính cũng rất quan trọng. Ngoài ra bạn cần chú ý khi chọn những lens kính tối màu, khi vào đường hầm hoặc chạy trong trời mưa buổi chiều sẽ hạn chế tầm nhìn rất nhiều. 

Găng tay cào cào

Găng tay dành cho cào cào thực sự không có quá nhiều lớp bảo vệ đặc biệt. Do cần phải thoát mồ hôi nhiều nên găng cào cào thường được đục lỗ để thông hơi, do đó rất ít loại có khả năng chống thấm. Thiết kế tối giản cho việc cầm nắm và bám vào ghi đông, thường có một lớp giáp bảo vệ mỏng ở đầu xương ngón tay, cổ găng rất ngắn chỉ cắt ngang cổ tay để không bị vướng khi phải vặn ga ở nhiều tư thế đứng hoặc ngồi. Do thiết kế mỏng có đục lỗ thông hơi nên găng cào cào cũng khô nhanh hơn các loại găng thông thường. Bộ môn cào cào thường phải lội sông suối nên khả năng găng tay bị ướt rất cao, lúc này các mẫu găng street và naked thông thường sẽ lâu khô hơn. 

Giày bảo hộ cào cào

Được xem như là một môn thể thao mạo hiểm, không lạ gì khi chấn thương chân khá phổ biến đối với những người chơi cào cào. Dù ở trình độ nào thì chân vẫn là bộ phận chịu rủi ro chấn thương cao nhất khi bạn chơi môn thể thao này. Rủi ro bị xe đè, đá văng, trượt chân khỏi bàn đạp và hơn thế nữa còn chịu sức nóng của cục máy tỏa ra. Một đôi giày cào cào tốt là trang bị tối thiểu mỗi khi leo lên xe, ngoài mũ bảo hiểm ra. 

Giày cào cào motocross là lựa chọn phù hợp túi tiền cho những bạn mới bắt đầu chơi bộ môn này. Giày MX (motocross) sử dụng trong track đua cào cào chuyên nghiệp, cung cấp sự bảo vệ tối đa ở những vị trí như ống đồng, mắt cá, cổ chân. Ưu điểm có giá rất rẻ, bảo vệ tốt hoàn toàn đôi chân, nhưng bạn sẽ hy sinh những tiện nghi như tính chống nước và sự thoải mái, linh hoạt khi mang giày MX. Phần lớn thân giày được cấu tạo từ nhựa đúc kết hợp với da, cho cấu trúc thân giày rất vững nên bạn sẽ mất khả năng co duỗi mũi bàn chân linh hoạt, và có cảm giác như mang một đôi "chân gỗ". Nhằm giảm giá sản xuất, giá thành nên giày cào cào MX cũng không có khả năng chống nước tốt như những đôi giày ADV hoặc enduro hàng hiệu. Nếu mục tiêu sử dụng xe cào cào của bạn chủ yếu chạy xe ở trong track đua cào cào, cần sự bảo vệ tối ưu cho đôi chân, hoặc bạn chỉ đang tìm một đôi giày cào cào tốt, rẻ và không yêu cầu quá cao vào sự thoải mái, thì bạn có thể chọn giày MX.

Giày enduro từ những tên tuổi "xịn" như Gaerne, Sidi, hoặc Alpinestars có đầy đủ những tính năng mà bạn cần cho bộ môn cào cào offroad. Khả năng bảo vệ tương đương giày MX, đi kèm tính năng chống nước, khớp mắt cá chân cho sự thoải mái tương đối khi đạp thắng và móc số, và nhiều tiện ích khác nữa. Cái duy nhất bạn phải hy sinh khi đầu tư cho một đôi giày enduro "xịn" chỉ duy nhất là tiền. Giá giày enduro xịn có thể gấp 2,3,4 lần giày MX. 

Giày ADV - Adventure phổ biến trong giới Adventure và cào cào Dual Sport do đặc tính gọn nhẹ, tiện dụng và thoải mái của nó. Giày ADV không cứng như giày cào cào, có khả năng chống nước cao, cổ giày không quá cao như giày MX và enduro, khớp cổ chân không quá cứng nên linh hoạt và thoải mái khi mang. Một số giày ADV thậm chí có thể mang đi bộ như giày bình thường. Giày ADV sử dụng vật liệu chủ yếu là da, nên khả năng chống va đập sẽ không tốt bằng giày cào cào MX và Enduro. Giá thành giày ADV trải dài từ rẻ đến đắt tiền. 

Áo cào cào Jersey và quần cào cào

Áo quần cào cào thực sự không được tích hợp quá nhiều công nghệ đặc biệt hay có khả năng bảo vệ nào cả. Quần áo cào cào chỉ đơn giản là áo thun và quần kết hợp thun và vải khakis để tạo nên một bộ quần áo thể thao thoáng mát, nhanh khô, bền và không bị bay màu khi giặt. Áo jersey dài tay có công dụng che nắng, mặc ngoài áo giáp bên trong, nếu có. Quần cào cào thường được may bằng thun ở những vị trí co giãn nhiều, tích hợp vải lưới ở một số địa điểm thông gió, đầu gối may rộng chừa chỗ mang giáp bên trong, và ống quần may túm lại để nhét vào trong giày cào cào. Do là quần áo thể thao nên màu sắc phải tươi. 

Giáp gối, bó gối

Chấn thương gối không nhất thiết chỉ xảy ra khi bạn ngã khỏi xe và đập gối vào mặt đất hoặc cây, mà còn do đá văng từ xe bánh xe trước. Nếu địa hình bạn thường xuyên phải đi bao gồm những đoạn đá to, thì một bộ giáp gối tốt gần như là trang bị thiết yếu. Một bộ đệm gối tốt như giáp gối Forcefield không tốn quá nhiều tiền, không làm cho bạn cảm thấy khó chịu quá nhiều, hoặc cản trở hoạt động của bạn, nên không có lý do gì mà không đầu tư một bộ giáp gối nếu bạn thực sự muốn đầu tư cho bộ môn này. 

Giáp gối có nhiều loại. Bạn có thể sử dụng cả giáp gối cứng và mềm. Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân của người viết bài, giáp gối dạng đệm mềm và mặc bên trong quần, và bên trong giày cào cào ít gây khó chịu và cản trở hoạt động chân của bạn nhất. 

Nẹp gối chuyên dụng cho cào cào

Giáp gối dạng đệm mềm và nẹp gối dạng khung nhựa cung cấp khả năng bảo vệ khác nhau, và không phải nẹp gối nào cũng có thể sử dụng kèm với giáp gối có đệm. Nẹp gối sẽ chủ yếu bảo vệ bạn khỏi những chấn thương về dây chằng như đứt hoặc giãn dây chằng, chấn thương dây thần kinh, mạch máu, nứt và gãy xương. Tuy nhiên việc sử dụng nẹp gối cần có ý kiến của các chuyên gia, và cần sử dụng đúng loại nẹp. Nẹp gối có nhiều giá tiền ở nhiều phân khúc khác nhau. Theo ý kiến của người viết bài, nẹp gối là một trang thiết bị cần chứng nhận y tế và quy trình sản xuất kiểm tra chất lượng gắt gao, chỉ nên mua những sản phẩm ở những thương hiệu có tiếng và đạt chuẩn y tế, không nên mua những sản phẩm rẻ tiền. Cân nhắc trình độ, loại xe và cách lái xe của mình trước khi quyết định chọn mua nẹp gối. Đối với những bạn chưa biết nẹp gối là gì và phải đọc bài viết này, có lẽ bạn nên bắt đầu bằng bó gối hoặc giáp gối đệm mềm. 

Nẹp cổ chuyên dụng cho cào cào

Nẹp cổ đã được sử dụng trong môn thể thao mạo hiểm này qua 10 năm, đặc biệt là trong những cuộc thi đấu chuyên nghiệp. Chấn thương vùng cổ mặc dù ít khi xảy ra, nhưng rủi ro tử vong rất cao. Nếu bạn muốn giảm tối thiểu những rủi ro khi chơi bộ môn này, thì bạn có thể tham khảo nẹp cổ chuyên dụng cho cào cào

Giáp ngực

Khác với áo bảo hộ thường được thiết kế theo dạng áo khoác tích hợp đệm giáp ở bên trong, giáp bảo hộ của cào cào thường được thiết kế nhiều lớp với nhiều mục đích khác nhau, và cuối cùng vẫn là một chiếc áo jersey mỏng khoác ngoài. Đòi hỏi sử dụng thể lực nhiều, trang bị bảo hộ của cào cào ngoài việc bảo vệ còn phải có tính năng thấm hút mồ hôi tốt, thông thoáng và không giới hạn cử động của người mặc. Cần lưu ý là trang bị bảo hộ riêng biệt cho cào cào chủ yếu chỉ chống va đập là chính, gần như không có khả năng bảo vệ bạn khỏi ma sát trượt khi sử dụng trên đường nhựa, đường quốc lộ. 

Bảo vệ xương sườn, xương đòn và hấp thự lực va đập là tác dụng chính của giáp ngực. Ngoài ra khả năng bị cây đâm, đá văng từ xe đi trước cũng khá cao, nên một bộ giáp ngực thường có nhiều lớp khác nhau, không nhất thiết tích hợp trong cùng một bộ giáp. Giáp ngực có đệm mềm hoặc giáp nhựa cứng có thể sử dụng cùng với nhau, hoặc sử dụng riêng biệt tùy mục đính của chuyến đi và trình độ của người lái. 

Giáp ngực nhựa cứng nửa thân trên (Roost Deflector / Chest Deflector) thường được mặc ở ngoài cùng, nằm ngoài áo cào cào với mục đích chính là bảo vệ phần ngực khỏi đá văng và cành cây đâm. Giáp ngực nhựa nửa thân thường rất mỏng, nhẹ và thoáng, thường chỉ bao quanh vùng xương sườn, không che được vai và cánh tay. Đối với những chuyến đi ngắn, địa hình không quá khó, bạn có thể chỉ cần mặc một bộ giáp nhựa cứng nửa thân ở bên ngoài áo jersey cào cào, kết hợp kèm một bộ đệm cùi chỏ tốt là đủ bảo vệ, vừa thông thoáng vừa gọn nhẹ. 

Một bộ bảo hộ ngực đệm giáp (Body Armor) bảo vệ đầy đủ từ xương sườn, xương đòn, xương sống lưng, vai và cùi chỏ thường được thiết kế dưới dạng từng miếng giáp rời liên kết với nhau bằng vải thun hoặc dây đai co giãn. Bộ giáp bảo hộ đầy đủ này tất nhiên bảo vệ được nhiều vị trí và an toàn hơn hẳn loại giáp ngực nhựa cứng nửa thân trên. Đối với người chơi cào cào, một bộ body armor tốt ngoài khả năng bảo vệ tốt còn phải có khả năng thấm hút mồ hôi và co giãn tốt để không cản trở hoạt động của người mặc. Áo lót giáp Forcefield Pro Shirt hiện đang được ưa chuộng bởi các thành viên tại Tigit với khả năng bảo vệ CE Level 2 mà vẫn rất mát. Đối với những bạn cần bộ giáp hạng nặng để tham gia đua thi đấu, có thể tham khảo áo giáp ADV EX-K của Forcefield

Quần độn giáp

Xương chậu, xương hai bên hông cũng là một vị trí dễ bị tổn thương, và quần cào cào lại không được bán kèm với đệm hông, hoặc chỉ kèm những miếng đệm khá mỏng. Quần lót độn giáp được gia cố bằng đệm chống va đập ở những vị trí dễ tổn thương như hai bên hông xương chậu. Một số mẫu quần còn có thêm cả đệm mông.