Xe Cào Cào Thủng Lốp Dọc Đường Xử Lý Như Thế Nào?

Thủng lốp, thủng ruột cũng như hỏng xe dọc đường là một phần không thể thiếu của môn chơi cào cào địa hình offroad này. Với ngoại hình to bự hầm hố, xe cào cào thường bị thợ vá xe dọc đường từ chối sửa chữa khi bạn ghé nhờ vá xe. Vậy giải quyết thủng lốp thủng săm dọc đường như thế nào

Mang theo đồ nghề tự vá xe dọc đường? 

Kỹ năng tháo bánh xe, thay lốp và tự vá xe dọc đường là một kỹ năng hữu ích trong số những kiến thức kỹ thuật về xe căn bản mà đa số anh em chơi cào cào nên học và biết. Dù vậy, bạn thực sự không cần phải tự vá tự thay săm lốp mọi lúc mọi nơi. Đường nào cũng sẽ có tiệm vá xe, và có khi chỉ cách bạn vài trăm mét mà thôi. Ra tiệm vá cho nó đơn giản và đỡ tốn sức, chừa sức để còn đi tiếp mấy cung đường địa hình vật vã. 

Hơn thế nữa, tự vá xe cào cào dọc đường thực sự...không đơn giản như bạn nghĩ. Đồ nghề vá xe cần mang theo ngoài dụng cụ vá ruột, còn phải có thêm dụng cụ phù hợp để tháo bánh xe trước và sau của từng loại xe cào cào khác nhau. Toàn bộ dụng cụ vá xe có thể thêm vài ký đồ vào hành lý phải mang theo.

Ngoài ra đa số xe cào cào không có chân chống giữa mà chỉ có chống nghiêng, mặc dù vẫn có thể lật ngang xe để tháo bánh, nhưng khâu gắn bánh xe sau vào và điều chỉnh độ căng dây sên khi xe nằm dưới đất thực sự rất tốn công sức và cần thêm một đến hai người nữa giúp đỡ mới làm được. 

Giải pháp của anh em chơi xe tại Chrunix và Tigit 

Rim lock (khóa cố định lốp xe) gần như là yêu cầu tối thiểu cho mọi xe chơi địa hình. Để tăng độ bám đường thì lốp xe cào cào thường chạy rất non hơi, có khi chưa đến một kg hơi. Khi áp suất hơi trong săm quá thấp, thì săm sẽ không có đủ độ căng để ép chặt và cố định lốp vào vành niềng. Do đó khi săm quá nơn hơi, lốp xe bị dịch chuyển và kéo đứt van bơm hơi của săm. Đó cũng là lý do săm thường bung ra khỏi lốp xe khi bạn cố chạy xe khi săm đã bị thủng. 

Do đó, tất cả những xe Honda CRF150L và CRF250L, kèm thêm những xe hay đi địa hình như KTM, WR và DRZ tại Chrunix đều được trang bị rim lock cả bánh trước và bánh sau. Một khi đã có rim lock, kể cả khi một trong hai bánh xe bị thủng, mình vẫn có thể tiếp tục chạy xe như bình thường, không ảnh hưởng đến tiến độ của tour. Đến giờ ăn trưa, sẽ tìm tiệm sửa xe để giải quyết vấn đề vá hoặc thay luôn ruột xe. Thay/vá ruột ở tiệm chắc chắn sẽ nhanh và đỡ tốn công sức hơn vá xe dọc đường nhiều lần. 

Do không cần phải vá xe dọc đường, nên cũng không cần phải đem theo dụng cụ để vá xe, tiết kiệm không gian và trọng lượng hành lý đáng kể. Tuy nhiên bạn vẫn cần phải mang theo săm/ruột dự phòng, vì xe cào cào thường đi cỡ niềng 18-21 (riêng XR150 đi cỡ niềng 17-19), do đó cần mang theo săm, ruột phù hợp với loại xe.

Tuy nhiên, giải pháp này vẫn có nhược điểm, đó là cực kỳ hao và tốn tiền mua ruột xe mới, mỗi lần bị thủng chỉ một lỗ. Do không được vá ngay tại chỗ, ruột phải chạy qua một quãng đường dài mà không có hơi, nên khả năng ruột bị dập, đứt vòi nếu không có lock, gần như là 100% :).

 

Trong trường hợp khẩn cấp, bạn vẫn có thể dùng ruột khác cỡ niềng. Lưu ý rằng đây là giải pháp tạm thời, và nên đổi sang loại săm/ruột đúng kích cỡ khi bạn đã về nhà. 

  • Ruột 17 có thể gắn cho cỡ niềng 17, 18, 19.
  • Ruột 18 có thể gắn cho cỡ niềng 17, 18, 19.
  • Ruột 19 có thể gắn cho cỡ niềng 18, 19, 21.

Ruột 17 thì chắc chắn tiệm sửa xe nào cũng có, nên nếu bạn muốn giảm tối đa trọng lượng hành lý phải mang theo, thì chỉ cần mang ruột dự phòng cho bánh trước là 21, hoặc 19 thôi. 

Hầu hết các tiệm sửa xe nhỏ dọc đường sẽ luôn từ chối xe cào cào, nhưng anh em đừng quá lo lắng về vấn đề này. Đa phần lý do các tiệm sửa xe từ chối là vì họ không có ruột vừa kích cỡ cho những loại xe "lạ" này. Chỉ cần bảo mình có mang theo săm/ruột phù hợp thì 90% các tiệm đều sẽ thay giúp thôi. 

 

Trong 3 năm làm tour thì chỉ có một lần duy nhất Linh và Thái phải tự thay ruột, vì lý do ông chủ tiệm vá xe quá già không nạy nổi lốp cỡ lớn của cào cào. Chưa lần nào phải vá xe dọc đường cả. 

Lốp không ruột Tubeless thì sao? 

Lốp tubeless không thực sự phù hợp để chơi offroad, nhưng chắc hẳn sẽ có những bạn chạy motard, hoặc ADV sẽ gặp những trường hợp như thế này. Team Chrunix đã có một chuyến đi khó khăn với CB500X HCM - Lagi 300km offroad

Lốp không ruột có thể chạy với áp suất hơi thấp đến tối thiểu 15psi, nếu thấp hơn, sẽ có khả năng không đủ áp để khóa chặt lốp vào mâm xe. Lốp không ruột khi bị thủng, xì hơi thì vẫn có thể chạy được tiếp một đoạn nữa, tuy nhiên sẽ có khả năng vành lốp bị bung ra khỏi mâm, và lúc này thì bạn sẽ cần một máy bơm áp suất cao mới sửa được. 

Vì lí do này, nếu thường xuyên phải đi những đoạn đường vắng ít tiệm sửa xe, có lẽ bạn nên mang theo bơm tay nhỏ gọn, và bộ vá xe không ruột. Nếu đã xác định chơi địa hình, thì tốt nhất chuyển hẳn sang sử dụng niềng căm và ruột. 

Sử dụng Mousse thì sao?

Chắc hẳn nhiều bạn cũng đã từng thấy qua, hoặc cũng đã từng nghe nói đến "ruột đặc" dùng trong các giải thi đấu enduro chuyên nghiệp. Câu trả lời là không, ruột đặc rất đắt tiền, rất nặng bảo trì và không phù hợp để sử dụng trên đường nhựa, hoặc với tốc độ cao. 

Ruột đặc có giá từ 100-200usd cho một bánh xe. Ruột đặc sẽ có độ căng nhất định, thường ở khoảng 12-16psi, và không thể thay đổi được. Ruột đặc thường xuyên cần phải tháo ra và bôi trơn, chứ không phải chỉ gắn vào và để đó luôn giống như ruột xe bình thường. Ruột đặc cũng sẽ nóng lên rất nhiều khi sử dụng ở tốc độ cao trên đường nhựa, nóng đến mức chảy ra luôn!

Thủng lốp xe là một phần của cuộc chơi!

Như bạn thấy, gần như không có giải pháp nào để loại bỏ khả năng bị lủng xe dọc đường, ngoài việc mang theo ruột xe dự phòng, trang bị thêm rimlock và, trang bị đầy đủ kiến thức cho bản thân cũng như chấp nhận rằng sẽ không có chuyến đi nào không có xe bị lủng :). Hãy như Vincent vẫn còn cười được sau khi đẩy con DRZ ra khỏi rừng, cười lên khi bị lủng xe nhé!