Hướng dẫn vệ sinh mũ bảo hiểm

Ngoài việc chọn mua, sử dụng và hiểu đúng về tính năng của mũ bảo hiểm, thì việc bảo quản và giữ gìn nó cũng là việc mà các “biker” cần quan tâm. Vậy làm thế nào để chiếc mũ bảo hiểm vẫn luôn bền đẹp theo thời gian, bài viết dưới đây sẽ giải đáp cho thắc mắc của bạn.

Đối với cánh “biker” thì mũ bảo hiểm luôn là người bạn đồng hành đi qua mọi cung đường dẫu có nắng, mưa hay bão tố. Khác với xe máy, mũ bảo hiểm còn có nghĩa vụ đặc biệt quan trọng đó là bảo vệ cho hộp sọ của bạn. Vậy nên việc bạn biết cách bảo quản mũ bảo hiểm không chỉ đơn giản là giúp cho bạn có một chiếc mũ đẹp, mà còn có thể kéo dài tuổi thọ của mũ, giúp khả năng bảo vệ bạn khỏi những rủi ro vốn có trên đường.

Dưới đây là 8 bước vệ sinh mũ bảo hiểm tại nhà. Tuỳ vào loại mũ mà bạn cũng có thể phải tham khảo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, để tuân theo những quy định về bảo hành, nếu có.

Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ 

Chuẩn bị tốt ngay từ đầu giúp bạn tiết kiệm thời gian và chi phí. Ngoài ra, bạn cũng nên đầu tư những dụng cụ và nguyên liệu cần thiết để vệ sinh mũ bảo hiểm, vì chắc chắn là bạn sẽ dùng nhiều hơn một lần. Do đó, đừng ngần ngại chi tiền cho những sản phẩm tốt ngay từ đầu. 


Khăn lau

Đầu tư từ những vật dụng tưởng chừng như đơn giản nhất, một chiếc khăn cotton mềm mại là một trong những vũ khí cần thiết nhất. Giống như khi lau mặt việc sử dụng một chiếc khăn bông mềm mại luôn tạo cho da mặt một cảm giác thoải mái hơn, không gây kích ứng bề mặt da. Mũ bảo hiểm cũng vậy, để đảm bảo cho lớp sơn luôn bền đẹp, bóng bẩy, không có những vết xước trên bề mặt thì hãy nên bắt đầu với một chiếc khăn nhỏ gọn, mềm mại, sạch sẽ nhé.

Bàn chải đánh răng

Tại sao lại là bàn chải đánh răng? Đây là mũ bảo hiểm mà. Thật ra sử dụng bàn chải đánh răng có thể dễ dàng cọ rửa trong từng ngóc ngách của mũ bảo hiểm mà giẻ lau không thể với tới. Ví dụ như khi làm sạch các miếng đệm và lỗ thông hơi.

Dầu gội hoặc xà phòng

Cần phải nhấn mạnh rằng bạn không nên sử dụng những chất tẩy rửa quá mạnh. Dầu gội trẻ em hoặc xà phòng tắm là những chất tẩy rửa nhẹ nhàng, đảm bảo không ảnh hưởng đến lớp sơn bề mặt. 

Nước ấm

Nước ấm luôn là lựa chọn tối ưu giúp bạn dễ dàng tách bụi bẩn ra khỏi mũ nhẹ nhàng mà không làm ảnh hưởng đến bất kì bộ phận nào của chiếc mũ. Dễ dàng chuẩn bị, không mất quá nhiều thời gian.

Dụng cụ thổi bụi

Nếu bạn có thể sử dụng máy nén thì tốt, không thì bạn chỉ cần một dụng cụ thổi bụi đơn giản. Đây là cách dễ dàng nhất để thổi bay bụi bẩn trong các khe hở nhỏ hoặc các lỗ thông khí. Nếu bạn dùng máy nén thì chỉ nên sử dụng mức độ vừa phải để tránh hư hỏng. 

Bước 2: Tháo tai nghe bluetooth nếu có

Nghe có vẻ khá đơn giản nhưng đây là cái luôn bị bỏ sót và đến khi nhận ra thì đã quá muộn. Vậy nên trước khi muốn vệ sinh mũ bảo hiểm hãy quan sát và chắc chắn rằng bạn đã tháo rời các thiết bị và linh kiện điện tử như micro, tai nghe, hay các thiết bị kết nối bluetooth được tích hợp vào. Ngoài ra, nếu bạn dùng mũ cào cào, có miếng mũi che nắng trên đỉnh nón thì việc tháo rời mũi che nắng ra sẽ giúp cho việc làm sạch dễ dàng hơn.

Bước 3: Tháo rời các chi tiết của mũ bảo hiểm

Tuỳ thuộc vào nhà sản xuất mà mỗi loại mũ bảo hiểm có thể tháo rời theo những cách khác nhau. Việc tháo rời lớp lót bên trong và miếng lót má thường khá đơn giản, hầu như các loại mũ bảo hiểm bay giờ đều thiết kế miếng lót má gắn với nút bấm hoặc gài, hoặc dùng nam châm, nên việc tháo gỡ khá dễ dàng. Sau khi tháo rời hãy để nó sang một bên theo thứ tự để việc lắp vào được nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Bước 4: Bước chuẩn bị cơ bản

Để bụi bẩn và những vết xước cứng đầu có thể được dễ dàng tẩy rửa, hãy dùng chiếc khăn nhỏ mà bạn đã chuẩn bị ban đầu ngâm vào trong nước ấm sau đó vắt khô và đắp lên bề mặt ngoài của mũ trong một khoảng thời gian, để làm mềm và làm sạch những vết bám lâu ngày trên mũ. Bây giờ bạn cứ để yên mũ với khăn ở đó, và tiến hành bước 5. 

Bước 5: Làm sạch lớp lót bên trong

Đây là bộ phận cần phải được làm sạch thường xuyên nhất của mũ bảo hiểm. Trong quá trình sử dụng nó thấm hút mồ hôi, bụi bẩn, dầu tóc và hẳn là không thoải mái gì khi phải sử dụng mũ sau một thời gian dài không được vệ sinh. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến một số bệnh về da đầu như nấm, ngứa, gầu…

Hãy đảm bảo rằng lớp lót phải được vệ sinh sạch sẽ bằng cách ngâm vào chậu rửa có pha loãng dầu gội trẻ em (có thể thay thế bằng dầu gọi bạn thường sử dụng) với nước ấm trong vòng khoảng 2-3 phút, sau đó dùng bàn chải đánh răng nhẹ nhàng làm sạch từ từ. Xả thật kỹ với nước sạch, đảm bảo rằng không còn chút xà bông nào có cơ hội đọng lại.

Phơi lớp lót và miếng đệm má tại nơi có ánh nắng nhẹ, khô thoáng. Đảm bảo rằng lớp lót của bạn phải khô hoàn toàn trước khi lắp vào và sử dụng. Nếu bạn sử dụng mũ khi miếng lót còn ẩm thì sẽ lên mùi ẩm mốc, và cũng rất có hại cho da đầu. 

Bước 6: Quay lại với vỏ mũ

Tiếp tục làm sạch vỏ nhựa bên ngoài của mũ ở bước 4 nhẽ. Giờ bạn lấy khăn ra, sử dụng một chiếc khăn ướt mới, lau quanh mũ và lau sạch mọi vết bẩn còn sót lại. Nhớ rằng nhất định phải sử dụng nước ấm, hạn chế sử dụng những dung dịch tẩy rửa vì theo thời gian nó sẽ là tác nhân gây hao mòn bề mặt và lớp sơn bao bọc bên ngoài chiếc mũ của bạn.

Bước 7: Thổi bụi ra khỏi lưới và lỗ thông hơi (nếu có)

Lỗ thông hơi phía trên mũ là chi tiết khá quan trọng, giúp bạn không bị bí bách nếu lái xe trong thời tiết oi bức trên đường dài. Và việc bạn di chuyển quanh các con đường tại Việt Nam thì chắc chắn rằng sẽ có rất nhiều bụi bẩn bám lấy lỗ thông khí và nếu bạn không nhanh chóng làm sạch nó, lỗ thông gió sẽ bị bụi bẩn lấp đầy và không còn hoạt động nữa. Nếu có thể hãy thổi bay những lớp bụi bẩn đó bằng khí nén hoặc dụng cụ thổi bụi. 

Bước 8: Làm sạch kính chắn gió

Hầu hết các loại kính bảo hộ hiện nay đều có lớp phủ bảo vệ (chống tia UV, sương mù).  Vì vậy bạn cũng nên sử dụng nước ấm để lau chùi, thay vì sử dụng chất tẩy rửa.

Lưu ý về tấm chắn Pinlock

Pinlock hay nói đúng hơn là tấm chống đọng sương, có tác dụng chống mờ kính do hơi thở khi bạn chạy xe dưới trời mưa hoặc không khí lạnh. Tấm chống đọng sương hiện nay đã được rất nhiều nhà sản xuất mũ bảo hiểm tích hợp vào bán kèm chung với mũ bảo hiểm.

Khi vệ sinh pinlock, hãy tháo rời miếng fim ra để dễ dàng vệ sinh được cả hai mặt của Pinlock và nhẹ nhàng lau với nước ấm và khăn mềm. Đặc biệt chú ý đến miếng đệm trên mặt fim vì nó là chi tiết giúp cho miếng pinlock có thể bám được và hoạt động đúng với vai trò của mình.

Bước 9: Làm sạch kính chống chói, kính âm bên trong

Hiện nay có rất nhiều mũ bảo hiểm được tích hợp kính âm bên trong, giống như kính mát mà bình thường bạn vẫn hay sử dụng. Nó có thể không quá bẩn, nhưng nếu sử dụng trong một thời gian dài thì có thể sẽ bị bám bụi trên bề mặt nếu bạn không lau chùi và vệ sinh. Dễ dàng loại bỏ bụi bẩn trên bề mặt chỉ bằng một ít nước và khăn sạch chỉ trong 5 giây.

Bước 10: Lắp lại mũ bảo hiểm

Bắt đầu lắp lại những miếng lót theo thứ tự ngược lại như khi bạn tháo chúng ra. Sau đó đến các thiết bị điện tử ngoại vi mà bạn đã tháo ra, nếu có. Cần chắc chắn rằng mọi thứ khô ráo sạch sẽ trước khi lắp vào với nhau. .

Kết luận

Vệ sinh mũ bảo hiểm không khó, chỉ tốn một ít thời gian và dụng cụ đơn giản như nước ấm, khăn bông, và bàn chải đánh răng. Vậy thì tại sao bạn không vệ sinh nó thường xuyên hơn?