Cắm Trại Với Cào Cào - Trải Nghiệm Không Dễ Dàng

Cảm hứng đến từ việc chơi cào cào lội sình lội ruộng, căn bản đến từ cái cảm giác được đắm mình vào thiên nhiên, được ở chỗ không ai biết là ở đâu, muốn đi tè ở đâu cũng được. Hầu hết những chuyến đi mà mình đã thực hiện đều đi trong ngày, hoặc chia ra làm 2-3 ngày di chuyển và ban đêm thì ngủ ở khách sạn. Vậy tại sao không ngủ lại tại rừng để kéo dài cái cảm giác đó? Cái ý tưởng offroad với cào cào và ngủ đêm lại rừng bắt đầu từ đó, với nhóm 4 người: mình (Linh), Jon, Fran và Vince. 

 

Đem theo những gì khi đi camping off-road?

Ở tuổi 30 và mắc đủ thứ bệnh tật như viêm mũi dị ứng, hen suyễn khuyến mãi thêm chứng dị ứng kháng sinh, mỗi chuyến đi đối với mình đều cần tới sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất từ quần áo đến thuốc men, cả tỉ thứ cần phải đem theo! Trên một con xe cào cào! Mỗi gram đồ mang theo đều phải tính toán kỹ lưỡng, vì mỗi ký đồ mình chất lên là mỗi ký đồ cộng thêm cho mỗi lần dựng xe dậy sau khi xòe. 

Xe sử dụng là xe CRF250L. Cân nhắc giữa 150 và 250cc, thì mặc dù 150 gọn nhẹ hơn, không quá nặng mỗi khi dựng xe, nhưng do điều kiện địa hình ở Đà Lạt đồi núi khá dốc, nên cuối cùng Linh vẫn chọn CRF250L cho chắc ăn. CRF250L có trọng lượng tầm 140kg, dự kiến khoảng 10kg đồ đổ lại, thì tổng trọng lượng sẽ ra tầm 150kg. Không quá nặng! Đã thử đặt xe xuống mặt đường để dựng lên thử!

Bộ Kriega Overlander System treo đồ khá tốt, chia hành lý ra hai bên thay vì buộc trên baga làm nặng đầu xe. 

Lều võng Hennessy Expedition Asym Zip Hammock. Mặc dù sử dụng võng sẽ cần 2 cây mọc cạnh nhau trong khoảng 3-4m, nhưng võng dễ ngủ và thoải mái  hơn hẳn lều, nên mình quyết định chơi liều mang võng thay vì lều (sai lầm). 

Đệm nằm hơi được Jon cho, kèm túi ngủ 500k mua tại Fanfan. 

Đồ ăn? Mì gói với nước sôi. 

Lên kế hoạch đường đi và bản đồ

Google Earth và Google Map chế độ vệ tinh là bạn thân của dân hikking, trekking và offroad từ lâu nay. Tuy nhiên dò đường cho xe máy với ô tô thì hơi khó hơn đường đi bộ một chút. Nhiều khi nhìn từ bản đồ thì mình tưởng nó là cái đường mòn, đến nơi lại thấy là con suối! Thế là phải vòng về. Mỗi lần vẽ đường đi off-road, đều phải vẽ đến 2,3 đường để backup vì lý do này. Ngoài ra còn nhiều lý do khác để vẽ nhiều đường backup, vì có khi đường bị thay đổi do cây đổ, nước lên.... 

Tất cả cây xăng và tiệm tạp hóa dọc đường đi phải đánh dấu tất cả lên bản đồ. Vì bản đồ sẽ được export ra và chép vào máy GPS sử dụng offline, nên bao nhiêu thông tin mình đưa vào bản đồ, thì mình sẽ có bấy nhiêu thông tin để tự cứu mình mỗi khi điện thoại hết pin hoặc mất sóng. 

Công việc vẽ bản đồ có lẽ là khâu chuẩn bị quan trọng nhất của toàn bộ chuyến đi. Trong 3 tuần, mỗi ngày Jon đều dành 1 giờ đồng hồ mỗi tối để xem Google Earth và vẽ lại đường đi. Bản đồ càng chi tiết, thì những option backup càng có nhiều, đi càng an toàn hơn. 

Xử lý hỏng hóc, hư xe và lủng xe dọc đường như thế nào?

Lủng xe trong rừng thì chỉ có một option duy nhất: Tự Vá! Mặc dù xe nào cũng có rimlock sẵn hết rồi, nhưng biết thêm cách tự vá xe cào cào cũng không hại gì cả!

Cả nhóm dành thời gian 1 buổi chiều để học vá xe và thay lốp. Lốp cào cào cứng, to, nạy ra khỏi vành khá vật vã. Vấn đề của các anh Tây nước ngoài là các anh không ngồi xổm, ngồi chồm hổm xuống dưới đất để nạy lốp xe như dân Việt ta được. Kết quả là Jon bị trật khớp xương sống, hoặc giãn cơ lưng hay gì đó, chấn thương, và không cúi xuống được nữa. Mặc dù vậy, Jon không có vẻ gì là buồn mấy khi nói với nguyên đám: 

"Từ giờ tao không dựng xe với vá xe được. Tụi bay làm hết nhe!"

Vậy hư xe thì sao? Cháy bố nồi? Lột dên? Đem giày hiking theo, có gì thì bỏ xe lại trong rừng rồi đi bộ ra. Hơi đâu đem cả cái tiệm sửa xe theo để mà sửa mấy cái đó. 

Cắm trại và ngủ trên vũng sình

 Leo dốc, đất đá, sình lầy, những đoạn đường thường thấy với cào cào, không có gì quá đặc biệt. Tuy nhiên, điểm khác biệt là lần này mỗi người có thêm 10-15kg hành lý buộc trên xe. Trời mưa làm cho đất nhão ra thành sình, dính vào bánh xe, cả đoàn di chuyển rất chậm. Để đi được 100m là cả một quá trình làm việc vật lộn vất vả giữa người và xe. Địa điểm cắm trại gần như... nằm trên vũng sình, vì đâu cũng là sình. Ngoài ra còn phải tốn thêm mớ sức lực để phát quang cỏ đủ rộng để đặt lều lên. Dao, lúc này mới nhận ra là một dụng cụ khá quan trọng khi đi camping. Lần đầu mà!

 Ở tại thời điểm đó thì não đang phân vân giữa hai quyết định khó khăn, một là phát quang cỏ, dựng lều cho đàng hoàng sau đó mình có thể ngủ một cách thoải mái, hai là "kệ mẹ nó" nằm đại xuống sình ngủ cho rồi. Mệt ơi là mệt! Cái lợi của việc đi theo nhóm, đó là công việc có thể được chia ra giữa mỗi người. Phát quang cỏ, dựng lều và nấu ăn cuối cùng được chia cho mỗi người một việc. 

Camping và offroad có lẽ như không hòa hợp với nhau nổi, khi mà toàn bộ hành lý của mình chất trên xe bây giờ dính đầy bùn sình đất đá! Mọi nỗ lực để thay đồ và cố gắng làm cho bản thân mình sạch sẽ một tí để có thể ăn ngủ một cách thoải mái, gần như bất khả thi! Quần áo nằm trong túi hông Kriega, phủ đầy sình, không thể nào lấy bất cứ món đồ gì ra mà không quến đầy sình đất vào tay và vật dụng. Lau cũng không sạch nổi, chỉ có nhúng mọi thứ xuống nước ngâm vài ngày thì may ra trôi được hết sình! Thôi cứ ăn trong sình vậy!

Khác với những hình ảnh tiệc BBQ đẹp đẽ bên lều trại, cắm trại với cào cào thì chỉ có ăn.. mì gói! Đồ đạc trang bị được tối giản đến mức tối thiểu để giảm cân nặng, nên đồ ăn ngon và sang trọng thì quên đi nhé! Ăn vội ly mì uống miếng nước rồi thôi đi ngủ! Mỗi lần cựa mình là một lần sột soạt với tùm lum cỏ cây xung quanh. "Ngủ" được mới lạ, lim dim thôi. 

Offroad và camping có mix với nhau được không?

Đêm đầu tiên cắm trại mặc dù ngủ lim dim, nhưng sáng ra mình cũng đã ngộ được một chân lý là: cào cào offroad với cắm trại không thể mix với nhau được, trừ khi bạn muốn trải nghiệm cảm giác đi lính nó khổ như thế nào! Tất nhiên lính tráng thực tế sẽ khổ hơn mình rất nhiều lần! Nhưng một khi đã đầu tư tiền bạc, thời gian vào thì ít ra nó cũng nên là một trải nghiệm vui vẻ và thoải mái. Thực tế không hề như vậy!

Sau chuyến đi này, mình cũng học được nhiều kinh nghiệm camping, và chuẩn bị tốt hơn cho chuyến camping kế tiếp cả về đường đi, lẫn trang bị, dụng cụ và cả tinh thần. Bạn có thể xem qua chuyến cắm trại ở Đồi Cỏ Hồng Đà Lạt, với Himalayan 400 và CB500X.