Tìm Hiểu Tên Mẫu Mã Của Các Thương Hiệu Xe Cào Cào

Xe cào cào nói chung cũng có khá nhiều loại khác nhau. Cào cào đi rừng, cào cào enduro và cào cào chạy track là hai mẫu cào cào cơ bản mà Chrunix thường hay nhắc tới. Tuy nhiên KTM, Honda và Yamaha không đơn giản đặt tên kiểu dễ hiểu như "CRF450 Enduro" hoặc "KTM 250 Chạy Track" cho người mua dễ hiểu. Đơn cử mẫu CRF250 có khá nhiều bản khác nhau: CRF250L, CRF250R, CRF250X, CRF250F, CRF250M, CRF250RX, là 6 mẫu xe khác nhau đều mang cái tên CRF250. Vậy mấy cái con CRF đó khác nhau chỗ nào, và mình nên mua cái CRF nào? Các bạn cùng tìm hiểu nhé. 

Tại sao phải hiểu những cái tên mẫu xe của từng thương hiệu khác nhau? 

Xe cào cào nhìn bên ngoài thì có vẻ rất giống nhau, tuy nhiên tùy vào mục đích sử dụng, cách chơi cách dùng và túi tiền, mà chúng có thể khác nhau rất nhiều. Khác nhau nhiều đến nỗi, chỉ cần chọn mua xe sai mục đích, thì bạn chỉ có cách bán đi và mua lại xe khác, chứ không thể nào "chịu đấm ăn xôi" mà cố dùng con xe đã mua để thực hiện công việc khác với cái nó đã được thiết kế cho. 

Một con Honda CRF250L nặng hơn 140kg, là một mẫu cào cào dual-sport, được thiết kế với mục đích đi tour đường dài, đi du lịch, sử dụng trong công việc trang trại, hoặc thậm chí sử dụng để đi lại hàng ngày. Khối động cơ của CRF250L được Honda hãm vòng tua máy khá thấp, nhằm mục đích kéo dài tuổi thọ, không yêu cầu bảo trì cao, và gần như chỉ cần thay nhớt là chạy tới cuối đời. 

Một con CRF250R, lại là một con xe đua nặng chỉ hơn 100kg, với từng gram cân nặng trên xe được nhà sản xuất tính toán tuyệt đối để tạo lợi thế cho các tay đua ở trên đường đua, với dàn chân và cỗ máy gần như phải bảo trì liên tục sau mỗi vòng đua. 

Thực tế cho thấy, ngoài cái tên CRF250 ra, mẫu 250L và 250R của Honda gần như chả có cái gì giống nhau cả, trừ việc cả hai con đều là "cào cào". Nhưng thử lấy con 250L đi đua track, rồi dùng con 250R mà đi du lịch xem nó ra thế nào?

Cào Cào Honda

Honda đã quá nổi tiếng cho mấy con cào cào dòng "L", như các mẫu XR "L", căn bản là vì mấy cái xe này vẫn tồn tại và chạy khỏe từ hồi thế chiến tới giờ. Bạn chắc cũng đã biết, vì sao xe máy ở Việt Nam lại được gắn luôn với cái tên "xe Honda" rồi đấy. 

Các mẫu xe cào cào từ lâu được Honda đặt cho cái tên CR - viết tắt của Close Ratio (tỷ số truyền động ngắn), nôm na là do cấu tạo hộp số với các số rất gần nhau, chủ yếu tối ưu hóa khả năng tăng tốc ngắn ở vòng tua thấp. Một số bài viết khác cho rằng CR viết tắt cho Course Racer, hoặc Club Racer, vì đây là những mẫu xe được thiết kế để sử dụng trong track đua. Không biết là Honda thực tế đã nghĩ gì khi đặt cái tên CR, tuy nhiên có thể hiểu rằng cái tên CR bắt đầu từ việc thiết kế một mẫu cào cào dùng để đua. 

F về sau được thêm vào, khi Honda muốn tránh sự nhầm lẫn giữa các mẫu xe 2 thì và 4 thì. F đơn giản là viết tắt của chữ Four (Four Stroke - 4T)/ 

Các mẫu Honda CRF "L"

 Các mẫu CRF dòng "L" như CRF250L hoặc CRF450L, được Honda định nghĩa là các mẫu xe cào cào dual-sport, được thiết kế với khả năng đa dụng, đi tour, offroad, sử dụng trong nông trại, trang trại, và không quá nặng về mặt bảo trì. Các mẫu CRF và kể cả XR dòng L đều được thiết kế với tiêu chí tiện dụng, đơn giản và dễ sử dụng, ít bảo trì, thay vì tập trung quá nhiều vào sức mạnh của động cơ. 

Các mẫu CRF được Honda ra mắt vào khoảng năm 2000, nhằm thay thế các mẫu Honda XR, với công nghệ phun xăng điện tử và làm mát bằng dung dịch. Thời nay, có thể hiểu sự khác biệt chính giữa CRF và XR, đó là CRF sẽ sử dụng những công nghệ mới như phun xăng điện tử và làm mát bằng dung dịch, còn những mẫu XR vẫn không thay đổi, vẫn dùng bình xăng cơ, và động cơ được làm mát bằng gió. 

Những con CRF dòng L cũng là những con xe hợp pháp để tham gia giao thông, với các mẫu xe vừa xuất xưởng đều có đầy đủ các phụ kiện như đèn, còi, gương chiếu hậu, chân chống và ống xả phù hợp cho việc sử dụng trên đường nhựa, cũng như sử dụng trong thành phố. 

Honda CRF450L - sử dụng chung cỗ máy với người anh em motocross Honda CRF450R, tuy nhiên được hãm lại khá nhiều để kéo dài thời gian bảo trì. Ngoài ra giữa CRF450L và CRF450R (hoặc các mẫu RX, X) sẽ có những khác biệt nhỏ mà nhìn bằng mắt không thể thấy được, như setup nhông sên dĩa, dàn phuộc, vị trí lọc gió.... sẽ rất khác nhau. 

Honda CRF250L - ngược lại với mẫu CRF450L, mẫu 250L hoàn toàn không có gì tương đồng với mẫu CRF250R cả. Cỗ máy động cơ 250L là một cỗ máy khác hoàn toàn, không sử dụng công nghệ UniCam như trên các mẫu R của Honda. 

Các mẫu Honda CRF "R"

R viết tắt cho Racing, hoặc Racer. Nói đến đây chắc bạn hiểu các mẫu "R" là chỗ để cho Honda chơi lớn và tung toàn bộ các công nghệ, cũng như tối đa và tối ưu công suất, khả năng vận hành của những mẫu "R" này trên đường đua. Khác hẳn với những mẫu L, X, những con cào cào dòng "R" gần như là mấy con thú hoang, bỏ côn ra thôi là xe phóng tới muốn sứt luôn cánh tay của người lái. Nếu không có kỹ thuật, thể lực tốt, thì không thể nào thuần nổi những con cào cào chuyên nghiệp này. Đây cũng là những cỗ máy hiệu năng cao, cần phải được bảo trì gần như sau mỗi cuộc đua, cần có một đội kỹ thuật đứng đằng sau lưng một tay đua. Cũng vì lý do đó, sử dụng những mẫu Honda CRF "R" này cho bất kỳ mục đích gì khác ngoài trường đua motocross, là một sai lầm!

Các mẫu Honda CRF "X"

"X" theo định nghĩa của Honda, thì vẫn là các mẫu xe dùng để thi đấu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, thể loại thi đấu được phân loại vào những cuộc đua offroad hoặc enduro. Các mẫu Honda dòng "X" gần như sử dụng chung một cục máy, khung sườn và dàn chân với các mẫu dòng "R", tuy nhiên được tinh chỉnh cho phù hợp với mục đích thi đấu ngoài trường đua. ĐỒng thời, một số mẫu dòng "X" được trang bị thêm các phụ kiên như đèn, khởi động đề, chân chống và ống xả phù hợp. 

Tuy sử dụng chung cục máy, nhưng không đến mức "bùng nổ" nhưng mấy con "R", mẫu "X" của Honda vẫn nặng bảo trì, nhưng tương đối dễ thở hơn. Bạn có thể không cần đến một team kỹ thuật chuyên nghiệp sau mỗi vòng đua, nhưng vẫn cần phải bảo trì xe khá nhiều sau mỗi mùa thi đấu. 

Các mẫu Honda CRF "F"

F là một dòng không quá phổ biến với nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên các mẫu Honda CRF "F" được thiết kế như một mẫu xe trail, offroad và đi rừng, nhưng chủ yếu cho những người mới tập chơi. Do đó các mẫu xe dòng F chỉ cao nhất đến 250 phân khối, và có khung xe được thiết kế tương đối nhỏ hơn, và nhẹ hơn, phù hợp với thanh thiếu niên mới lớn và phụ nữ. 

Honda CRF "M", "RX" và "WE"

M tương đương với Motard. Hiện chỉ có một mẫu CRF250M

RX được hiểu như cross-country racer. Các mẫu RX gần như là các mẫu R được gắn thêm đèn và chân chống, thiết kế cho những tay đua mà bản "X" vẫn chưa đủ đối với họ. 

WE - Works Edition - Đây cũng có thể được so sánh như các bản Factory Edition của KTM. 

Cào Cào Thương Hiệu KTM

KTM Freeride

Cào cào cỡ nhỏ dành cho "beginner" của KTM, ưu điểm cực kỳ gọn nhẹ và khung sườn thấp, thích hợp với những bạn mới tập chơi, hoặc những bạn nam thể hình nhỏ con, hoặc dành cho những bạn nữ. Cỗ máy và dàn chân của những mẫu Freeride được thiết kế để vận hành một cách "mượt mà" và nhẹ nhàng, nhằm mục đích giúp cho các bạn mới chơi làm quen với xe cào cào, hơn là rèn luyện các kỹ năng enduro hoặc chạy xe ở tốc độ cao

Các mẫu Freeride do quá nhỏ gọn, nên mọi người còn gọi là "cào cào lai trial", thích hợp để tập những kỹ năng stunt. Tuy nhiên, có vẻ như KTM không bán rộng rãi các mẫu Freeride này, chỉ có mặt ở một số quốc gia và thị trường cụ thể. 

KTM EXC và EXC-F

Cào cào EXC được KTM định nghĩa như những dòng cào cào dual-sport, nhưng so với các mẫu xe dual sport của các thương hiệu Nhật như Yamaha, Honda và Suzuki, thì KTM cho hiệu năng và công suất cao hơn, trong khi khung xe được thiết kế nhẹ hơn. Có vẻ như những mẫu dual-sport của KTM được thiết kế với tính năng off-road nặng hơn, và giảm khả năng đi đường trường, đường lộ của xe. 

Có thể nói, các mẫu dual-sport của KTM có hiệu năng và công suất tương đương với dòng CRF "X" của Honda. Đối với đa số mọi người, thì những con KTM EXC gần như là quá đủ cho thú vui đi rừng off-road cuối tuần. EXC-F sử dụng động cơ 4 thì, EXC sử dụng động cơ 2 thì. 

KTM XC và XC-F

Nhầm lẫn chung là mọi người cứ nghĩ EXC và XC là cùng một mẫu xe, và rằng E chẳng qua chỉ tượng trưng cho bản XC dành cho châu Âu (Europe). Thực tế là các mẫu XC được thiết kế gần giống, thậm chí sử dụng chung cục máy với những mẫu cào cào motocross SX và SX-F của KTM. Các mẫu cào cào KTM XC và XC-F được thiết kế cho những tay đua enduro hạng nặng, với máy sử dụng tỷ số truyền động ngắn và hoạt động ở dải tua rất cao. So với các mẫu xe dual sport EXC, thì nhẹ và mạnh hơn khá nhiều. 

Cũng giống như EXC, các mẫu xe được đặt tên có chữ F như XC-F sẽ sử dụng động cơ 4 thì, và XC sẽ dùng động cơ hai thì. KTM còn có thêm một phiên bản có chữ W phía sau, XC-W và XCF-W, và W tượng trưng cho tỷ số truyền động rộng (wide), sử dụng bộ số khác nhau, có thêm 1 số 6 để đi đường trường. 

KTM SX và SX-F

SX được hiểu hoặc dịch nôm na là supercross, là những mẫu cào cào thi đấu trong track đua khép kín của KTM, đứng ngang hàng với các mẫu Honda CR và CRF "R", hoặc Yamaha YZ và YZ-F. Không đèn, không còi, không gương hoặc chân chống, với cỗ máy được tinh chỉnh cho việc thi đấu và gần như phải bảo trì liên tục sau mỗi vòng đua, KTM SX và SX-F là một mẫu xe đua nghiêm túc dành cho những tay đua thực sự. 

KTM Six Days

Với hầu hết các mẫu xe kể trên, thì KTM thường có một bản đặc biệt được đặt tên theo một giải đua "Six Days". Các mẫu Six Days version thường là bản giới hạn, với nhiều mẫu nâng cấp, gắn sẵn đồ độ chế từ KTM Factory, căn bản nhắm tới những người mua xe chỉ để đua, và cần một con xe sẵn sàng để đua ngay khi ra khỏi showroom. 

Tuy nhiên, các món đồ độ chế được gắn vào xe, các "nâng cấp" cụ thể giữa bản Six Days so với bản thường, thì mình không thể tìm thấy một nguồn thông tin cụ thể rõ ràng nào để có thể cho biết được: bản Six Days khác bản thường cụ thể ở những chỗ nào. Có lẽ, tùy thuộc vào từng date, mẫu mã của từng năm khác nhau, mà bản Six Days cũng sẽ rất khác nhau giữa các năm. Và bạn gần như phải ra showroom và so sánh cả hai xe, hoặc nói chuyện với dealer mới có thể biết được cụ thể bản Six Days năm nay sẽ có những nâng cấp gì. 

Theo cách hiểu của người viết bài, các bản Six Days được tạo ra khi các kỹ sư tại nhà máy KTM muốn "độ" một con xe "hết bài", mà không ràng buộc về chi phí cũng như giá tiền, miễn sao các món phụ tùng nâng cấp được đặt lên xe đều mang một giá trị thực tế nào đó, nhằm hỗ trợ người mua tại những cuộc đua. Sau đó, họ sẽ tung ra những bản "Six Days" này cũng như những "phiên bản đặc biệt" mà Honda và Yamaha ở Việt Nam vẫn hay làm, mỗi khi cho ra mắt một mẫu xe mới. 

Cào cào Thương hiệu Suzuki

Suzuki DR

DR được viết tắt cho chữ "dual-ride", cũng tương tự như dual-sport. Các mẫu DR và DRZ của Suzuki được thiết kế theo các mẫu cào cào đa dụng, ít bảo trì và phù hợp để tham gia giao thông cũng như đi tour đường dài. Suzuki DRZ400 là một mẫu cào cào dual-sport rất nổi tiếng và bán chạy của Suzuki, bán chạy đến mức mà từ khi ra mắt đến bây giờ đã 20 năm, mà Suzuki vẫn chưa thay đổi thiết kế gì trên mẫu xe này. 

Suzuki RM

RM được viết tắt cho chữ Racing Model, ám chỉ đây là mẫu xe dành để đua của Suzuki. Các mẫu RM là những mẫu xe cào cào 2 thì được thiết kế để chạy trong track đua, chung với các mẫu KTM SX và Honda CR

Suzuki RM-Z

Khi các giải đua dần dần chuyển qua sử dụng xe 4 thì, thì RM-Z là cách mà suzuki đặt tên cho biến thể 4 thì của những mẫu xe motocross. Cũng giống như Honda CRF "R", Kawasaki KX-F, Yamaha YZ-F và KTM SX-F, Suzuki RMZ là một mẫu cào cào đua 4 thì chuyên nghiệp và chỉ dùng để sử dụng trong môi trường thi đấu. 

Suzuki RM-X

Đọc đến đây, thì gần như bạn cũng lờ mờ thấy sự tương đồng giữa cách đặt tên của các thương hiệu xe đúng không? Giống X của Honda, X của Suzuki cũng tượng trưng cho trail, và các mẫu RM-X được thiết kế cho các hoạt động enduro và off-road.