Cung Đường Tà Năng Phan Dũng Với Xe Cào Cào

Tà Năng là cung đường trekking dài khoảng 30km đẹp nhất Miền Nam, và phải mất đến 2 ngày để có thể đi hết cung đường này, kèm theo một đêm cắm trại ở đỉnh Tà Năng. Sau đây là trải nghiệm của mình khi đi Tà Năng với xe cào cào. 

Chuẩn bị cho cung Tà Năng Phan Dũng

Xe cào cào tụi mình sử dụng cho chuyến đi này là:

  • Linh: Honda CRF250L
  • Fran: Honda CRF250L
  • Jon: KTM 350XCF-W
  • Nico: KTM 525 EXC-F

Setup xe cho chuyến đi

Thực tế là bạn không cần xe quá mạnh hoặc xe cào cào chuyên nghiệp gì để đi hết cung này. Các loại xe cào cào phổ thông như Honda XR150, Honda CRF150 và Yamaha WR155R vẫn có thể đi được. Chọn đúng xe phù hợp với chiều cao và khả năng của mình thì sẽ đỡ mệt hơn. Ngoài ra nên sử dụng lốp gai và rimlock để hạn chế xe bị trượt bánh, đỡ phải đốt côn. Chắc chắn sẽ ngã xe vài lần, nên trang bị bảo vệ tay lái để không bị gãy tay côn, tay thắng. Tham khảo thêm những trang bị offroad cho xe cào cào

Trang bị mang theo

Phụ tùng mang theo

  • Tay côn tay thắng
  • Ruột xe
  • Một bộ nồi côn CRF250L

Do biết chắc chắn sẽ té ngã rất nhiều, phát sinh hư hỏng rất nhiều nên cả nhóm mang theo nhiều đồ nghề sửa xe, mỗi người một bộ. Fran mang theo một bộ nồi côn dự phòng cho CRF250L.

Lương thực, nước uống:

  • Tối thiểu 4 lít nước mỗi người. 
  • Đồ ăn gọn nhẹ như đồ khô, bánh mì

Cung đường Tà Năng Phan Dũng

Dưới đây là bản đồ cung mà tụi mình vẽ và đi theo. 

  • Đường màu tím: tracklog thực tế
  • Đường màu xanh: đi theo google vẽ
  • Đường màu đỏ: tracklog xin được của một bạn khác, nhưng không tìm ra để đi theo được. 
Để có thể vào cung sớm và chừa nhiều thời gian di chuyển, bạn có thể nghỉ chân ở đêm trước và xuất phát từ Tà Năng. Tổng thời gian di chuyển của nhóm mình là khoảng 5 tiếng rưỡi, đã bao gồm dừng nghỉ ngơi và sửa xe 5,6 lần và quay phim. 

Tà Năng nổi tiếng với đường lên dốc và rãnh sâu do xe của người bản địa tạo ra. Nếu có kỹ năng, bạn có thể đi nhanh phía bên trên rãnh (ruts), hoặc đi ngoài rìa nơi không có rãnh. Tuy nhiên lưu ý là đi ngoài rìa thì nếu ngã xe sẽ rơi xuống bên rìa ngoài có thể là vực. Lúc đó lôi xe lên sẽ mệt hơn nhiều.  

Hỏng xe và sửa xe

Té ngã khi chơi cào cào là chuyện thường. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên mình (Linh) té nhiều như vậy, chắc cũng khoảng chục lần, và là người té nhiều nhất team. Do đó nhóm phải dừng sửa xe khoảng 5,6 lần, chủ yếu để fix tạm mấy thứ bị cong. 

Ngoài ra xe WR450F bị lỗi cục sạc, nên cứ mỗi 2 tiếng phải tháo bình ra đổi với một xe KTM, nên cứ 2 tiếng tụi mình phải dừng. 

CRF250L của Fran bị cháy nồi ngày hôm trước khi đi cung ở Đức Trọng, nên đêm hôm trước cả nhóm phải thay bộ nồi côn mới trong buổi tối vì không có tiệm sửa xe nào còn mở cửa. Do lần đầu tự thay bộ nồi côn, lại không có nhớt khác để thay nên chắc là lắp sai chỗ nào đó. Khi đang đi giữa cung Tà Năng thì có ít trục trặc phải chỉnh sửa đôi chút. 

KTM vs Honda, thương mại vs chuyên nghiệp

Honda CRF250L là con xe mà mình đã sử dụng qua nhiều cung, và phải nói là không thể phàn nàn hoặc đòi hỏi hơn ở một con xe dual-sport thương mại như thế này. Tuy nhiên mỗi khi nhìn qua hai con KTM thì không thể nào không so sánh hai xe ở cung đường mình đang đi. 

Bộ phuộc trước sau của Honda CRF250L, đặc biệt là của những bản đời mới từ 2018 trở đi, được thiết kế khá mềm, chủ yếu để sử dụng trên đường phố, đường nhựa. Khi mang vào một cung đường địa hình phức tạp và khó như thế này, thì phuộc mềm làm cho con xe khoảng 150kg ướt khó bám vào đất đá khi leo dốc hơn. 2 xe CRF250L mình đi lần này đang dùng phuộc YSS nhập Thái, xì dầu sau ngày đầu offroad ở Đức Trọng. Sau khi hết dầu thì cảm giác chạy xe như đang chơi thú nhún ở siêu thị. 

Tất cả các bộ phận hãng theo xe như tay côn, tay thắng, cần số cần thắng và ghi đông đều không chịu nổi mấy cú té của mình. Ghi đông phải bẻ lại 2 lần, cần số và cần thắng bẻ 99 lần.

Cái ưu điểm duy nhất khi chơi xe thương mại là mỗi lần té thì mình có thể đổ thừa "tại con xe nó nặng" thay vì thừa nhận cái sự yếu kém của bản thân. Tụi chơi KTM không thể nào cãi được hết, vì cãi lỡ đâu bị kêu đổi xe chạy thử thì sao. 

Sau mỗi chuyến "đi nặng" này thì danh sách hạng mục sửa xe của con xe CRF250L của mình khá dày: 

  • Thay ghi đông
  • thay tay côn
  • thay bảo vệ tay lái
  • thay cần thắng
  • thay cần số
  • Chắc thay luôn cái phuộc sau (phuộc YSS nhập Thái, xì dầu banh chành sau chuyến này). 
  • Thay nồi (xe Fran)

Mặc dù các xe chuyên nghiệp, xe bán chuyên của KTM có tần suất bảo trì dày hơn các mẫu dual-sport như CRF150, CRF250, nhưng sau mỗi chuyến đi như thế này thì các xe KTM căn bản chỉ thay nhớt, thay lọc gió, rửa xe, là đã có thể đi cung kế tiếp. Kết luận là về mặt kinh tế, thì xe KTM tiết kiệm hơn hẳn khi chơi kiểu này. 

Một số lưu ý khi đi Tà Năng Phan Dũng bằng xe cào cào

Nếu bạn có ý định đi theo tracklog của mình ở phía trên, thì cần lưu ý rằng:

  • Đây là cung đường khó, và đã có nhiều trường hợp mất tích ở trong rừng.
  • Cứu hộ ở khu vực này rất khó, gần như bất khả thi.
  • Các suối lũ về rất nhanh
  • Mùa mưa gần như bất khả thi, chỉ dành cho các anh em "gân" nhiều kinh nghiệm. 
  • Không đi một mình
  • Không đi khi chưa có kinh nghiệm đi rừng. 

Trang bị bắt buộc cần có: 

  • Bộ đàm giữ liên lạc
  • Bản đồ, điện thoại
  • Nước uống tối thiểu 4 lít
  • Một ít đồ ăn nhẹ lấy sức

Kinh nghiệm, kỹ năng cần có

  • Đã chạy xe cào cào ở các cung địa hình dễ
  • Biết kiến thức sửa xe cơ bản
  • Biết khi nào là mình đang đốt côn (cái này quan trọng nhe).