Xe cào cào tại Việt Nam

Các dòng xe cào cào được tư nhân nhập về bán tại Việt Nam:

Những dòng xe dưới đây là các mẫu xe đã được tư nhân nhập về bán ở Việt Nam, xe có thể mua được khá dễ dàng, đăng ký ra biển và sang tên nhanh chóng. Tư nhân cũng chỉ nhập về các dòng xe cào cào dual-sport phổ thông đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải tại Việt Nam, và có thể sử dụng để đi phố khá tốt và thoải mái, phù hợp với nhu cầu của đa số người Việt là "xe chỉ dùng để đi lại".

Dưới đây là những mẫu xe cào cào mà bạn có thể mua mới trong năm 2020:

Xem thêm bảng giá xe cào cào tại Việt Nam.

Các dòng xe cào cào dual-sport và light adventure

Cào cào Dual Sport là loại cào cào được thiết kế để sử dụng trong nhiều điều kiện và mục đích khác nhau. Cào cào dual sport có thể dùng để đi tour, đi địa hình xấu, kết hợp tour đường nhựa và đường xấu, sử dụng hàng ngày. Cào cào dual sport còn là mẫu cào cào "nhẹ" bảo trì, nhắm đến người dùng phổ thông, không tốn quá nhiều chi phí bảo trì. Toàn bộ các dòng xe cào cào được bán tại cửa hàng ở Việt Nam đều là cào cào dual sport.

Nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm về chơi cào cào, chưa nắm nhiều kiến thức bảo trì xe, đặc biệt là xe phân khối lớn, thì bạn nên bắt đầu bằng xe cào cào dual sport. Đây là dòng xe an toàn, lành, bền, bảo trì định kỳ chỉ cần một số bước đơn giản như thay nhớt, nước mát, lọc gió...

Cào cào dual sport hạng nặng còn được gọi với một cái tên khác là light adventure. Ranh giới giữa heavy-dualsport và light-adventure không thực sự rõ ràng. 

Các dòng xe enduro / trail, xe chuyên đi rừng, off-road

Cào cào enduro hay còn gọi là cào cào "bán chuyên", là xe cào cào được thiết kế để tham gia các cuộc đua địa hình hỗn hợp, xuyên qua rừng núi, đất đá, đồi cát.. do đó các mẫu xe này không cần biển số hoặc đèn xi nhan, do không tham gia giao thông trên đường. Những dòng cào cào này tối ưu về trọng lượng, hộp số và phuộc được thiết kế đặc biệt cho hoạt động đua địa hình này. Do vẫn có đèn pha và khởi động bằng đề, nên được dân ta gán cho cái tên "bán chuyên", vì chuyên nghiệp là không có luôn cả khởi động bằng đề, mà phải đạp nổ. "Bán chuyên" chỉ là cái tên do dân ta đặt như vậy, chứ không có nghĩa rằng các vận động viên enduro kém chuyên nghiệp hơn đâu. Bạn có nghĩ Graham Jarvis kém chuyên nghiệp hơn so với các tay đua MX không? Chắc chắn là không rồi. 

Cào cào 2 thì và cụ thể là KTM hiện đang thống trị các giải đua Enduro tại châu Âu. Bạn sẽ khó có thể nhìn thấy một chiếc enduro nào không phải KTM ở các giải như Romaniacs hoặc Erzberg Rodeo. Các mẫu cào cào 4 thì của các hãng xe Nhật thường chỉ tham gia enduro tại giải GNCC ở Mỹ.

Cào cào enduro cũng có thể gắn thêm đầy đủ các chức năng còi, đèn, đề và đăng ký biển số để có thể sử dụng trên đường nhựa và nhiều mục đích khác giống như một chiếc dual sport. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, cào cào enduro do có hiệu năng cao hơn, dẫn đến chi phí bảo trì cao hơn và lịch bảo trì cũng sẽ dày đặc hơn so với cào cào dual sport, nhưng so với dòng cào cào "chuyên nghiệp" motocross thì vẫn dễ thở hơn chút đỉnh. Khác biệt rõ rệt nhất giữa cào cào Enduro và MX chính là hộp số. Hộp số của MX ngắn và thấp hơn, vòng tua cao hơn ở cùng một tốc độ so với dòng enduro. 

Các dòng cào cào motocross, xe chỉ dùng trong track

Cào cào motocross (MX), là các loại xe cào cào căn bản nhất, lâu đời nhất. Đây là loại xe được thiết kế riêng để thi đấu trong trường đua địa hình khép kín. Cào cào motocross cũng tham gia các giải Free Style Motocross mà mình hay gọi là mô tô bay, thường thấy trên tivi. Do không tham gia giao thông và được tối ưu hóa cho trường đua, nên loại xe này không có đèn, điện, còi, hoặc biển số. Thậm chí không có cả khởi động bằng đề, mà phải đạp nổ. Cũng không có chân chống luôn, phải dựng xe lên ghế mỗi khi ngừng đua. Lý do là vì nhà sản xuất muốn làm cho xe nhẹ nhất hết mức có thể, vì trong cuộc đua thì mỗi miligram nhẹ hơn đều mang lại lợi thế cho tay đua. Ở nước ta, mọi người đặt tên cho loại cào cào này là xe "chuyên nghiệp". 

Cào cào chuyên nghiệp không quá phổ biến ở Việt Nam, do rất ít người chơi và mua bán. Cào cào chuyên nghiệp không thể đi phố do thiếu các chức năng như chân chống, đèn, bộ khởi động đề, nên chỉ sử dụng trong trường đua hoặc địa hình rừng núi. Cào cào chuyên nghiệp có công suất máy cực cao, nên chi phí bảo trì rất cao, và thời gian bảo trì tính bằng giờ. Đây cũng chính là lí do nó còn được gọi là "xe tính giờ".

Các xe cào cào motocross chuyên nghiệp những năm gần đây đã có thay đổi lớn. Xe được tích hợp nhiều chế độ ECU, hay còn gọi là "map", phù hợp cho từng mục đích và điều kiện sử dụng, chẳng hạn như thi đấu, chạy trail, chạy track, enduro... Ngoài ra đa số các hãng đã tích hợp thêm khởi động đề, không còn phải đạp nổ như các mẫu cũ nữa. 

Các dòng xe supermotard - supermoto

Supermotard hay supermoto, là một nhánh phụ (sub-culture) của giới chơi cào cào, với cào cào được độ lại để đi trên phố, dễ nhận thấy nhất là cặp lốp trơn không gai với cỡ bánh nhỏ, thường là 17" - 17". Tại Việt Nam chỉ cần lấy bất kỳ mẫu xe cào cào nào, độ lên vành 17" - 17" và gắn cặp lốp trơn và to, thì sẽ ra supermoto. 

Tuy nhiên vẫn có những mẫu cào cào được thiết kế như supermoto từ lúc xuất xưởng: 

Cào cào Trials - Cào cào nhún nhảy không yên

Trial là một thể loại, môn thể thao khác hoàn toàn so với những loại cào cào được kể trên. Trials bike là những xe cào cào được thiết kế chỉ có máy, khung sườn, ghi đông và bánh xe, không có yên và nhẹ nhất trong các thể loại cào cào. Cào cào trials dùng trong các cuộc thi Trials, nơi các vận động viên thể hiện khả năng vượt những chướng ngại vật không tưởng với khả năng giữ thăng bằng đáng nể trên xe. 

Trials rất hiếm người chơi ở Việt Nam. Đơn giản bởi vì sân chơi cho bộ môn này vẫn chưa có, xe không được bán rộng rãi mà phải nhập từ nước ngoài về. 

Xe cào cào "chuyên nghiệp", "bán chuyên" hay "thương mại" là gì? 

Khái niệm enduro, motocross và dual-sport vẫn còn rất mới mẻ với người Việt Nam ta, do đó "cào cào" ở Việt Nam chỉ được phân loại đơn giản theo các tiêu chí về giờ của piston, xe có đèn, điện và đề hay không:

  • Các dòng xe piston không tính giờ, có thể gắn biển, đi lại trong thành phố, có đèn điện đề đầy đủ, thường được gọi là cào cào "thương mại", phổ thông
  • Các dòng xe piston có tính giờ, không có đèn, điện, thường khởi động bằng giò đạp, thì được gọi là cào cào "chuyên nghiệp"
  • Các dòng xe piston hiệu năng cao, piston có thể có tính giờ hoặc không, có thể có đèn, điện và đề, không chuyên dùng để chạy trong track, cũng không thể xếp vào xe phổ thông, thì mọi người gọi là xe "bán chuyên".

Đây không phải là định nghĩa hoặc quy chuẩn chung để phân loại cào cào ở Việt Nam, chỉ là kết luận của người viết bài đúc kết ra được sau khi nghe 10 câu trả lời khác nhau của 10 người khác nhau về chủ đề này. 

Chạy xe cào cào có khó không?

Xe cào cào thực chất cũng chỉ là xe tay côn, nên để bắt đầu chơi cào cào bạn cần học cách chạy xe côn. Bạn có thể đọc bài viết hướng dẫn chi tiết kỹ thuật chạy xe tay côn căn bản, hoặc xem video hướng dẫn chạy xe côn tay XR150

Nếu bạn đã chạy được xe côn tay, thì bạn sẽ không mấy khó khăn trong việc bắt đầu chạy xe cào cào. Để nâng cao kỹ năng, bạn có thể dùng cào cào để đi các địa hình khó, đi rừng, offroad. Lúc đó bạn sẽ cần nhiều kỹ năng liên quan đến cào cào hơn.

Mua xe cào cào tại đâu? 

Xe cào cào ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa phổ biến, nên vẫn chưa có nhiều lựa chọn cho người mua. Những mẫu cào cào phổ biến có thể mua dễ dàng trên thị trường gồm có: 

Bạn có thể mua xe cào cào tại:

Sửa chữa và bảo trì xe cào cào

Thực ra việc sửa chữa và bảo dưỡng xe cào cào, nhất là xe cào cào phổ thông, không quá khó khăn như mọi người thường nghĩ. Chẳng qua do hình dáng của xe lạ, không phổ biến nên đa số các thợ máy ở Việt Nam từ chối nhận sửa xe. Thêm nữa là phụ tùng thường không có sẵn, mà phải đặt hàng từ nước ngoài về, tốn khá nhiều thời gian, tiền bạc lẫn công sức, nên tâm lý chung về xe cào cào là "khó sửa".

Nguyên tắc chung về việc sửa chữa và bảo dưỡng xe, không riêng gì cào cào mà tất cả các loại xe phân khối lớn nhỏ khác: 

  • Bảo dưỡng định kỳ theo sổ tay bảo dưỡng
  • Đừng đợi hư mới sửa. Phòng bệnh rẻ hơn chữa bệnh. 
  • Dự kiến và mua sẵn những phụ tùng thường xuyên cần thay thế
  • Sử dụng những garage sửa xe uy tín và có tên tuổi.
Nếu bạn muốn tham khảo sâu hơn về sửa chữa và bảo trì, bạn có thể đọc thêm bài viết chia sẻ kinh nghiệm bảo trì và bảo dưỡng cào cào.

Cao bao nhiêu thì chơi được xe cào cào

Câu trả lời ngắn gọn:

  1. Từ 1m6 trở lên sẽ chạy được hầu hết cào cào phổ thông
  2. Có nhiều cách để hạ chiều cao xe cào cào thấp xuống
  3. Ngồi xe cào cào thì bạn sẽ phải nhón chân một chút mới đúng

Trang bị và đồ bảo hộ dành cho bộ môn cào cào

Tiền thân là một nhóm nhỏ chơi cào cào tại HCM, Chrunix đã được thành lập bởi các thành viên ở Tigit Motorbikes, với mục đích giới thiệu bộ môn thể thao mới mẻ này đến với giới trẻ. Cào cào địa hình là một môn thể thao mạo hiểm, do đó trang bị bảo hộ là điều thiết yếu khi chơi môn này. Bạn có thể tham khảo bài viết về trang bị bảo hộ cần thiết khi chơi cào cào

Trải nghiệm xe cào cào trong 1 ngày với tour trọn gói

Đây là tour cào cào, được thiết kế để cho những bạn có hứng thú với môn thể thao này có được trải nghiệm đầu tiên với môn thể thao này. Với sự dẫn dắt của tour guide chuyên nghiệp, bạn sẽ đi phượt băng rừng, vượt địa hình và thử thách khả năng của mình với chiếc xe cào cào. Tour dành cho những bạn thích khám phá thiên nhiên, thử thách bản thân, đòi hỏi có sức bền và thể lực, kỹ năng lái xe căn bản. Ngoài ra đây còn là hoạt động nhóm, dã ngoại cuối tuần, team building. Tùy vào kỹ năng lái xe và thể lực của nhóm mà tour guide có thể chọn đường đi có độ khó phù hợp.


Dưới đây là một vài dòng tóm tắt sơ lược về các mẫu xe cào cào mà người viết bài đã có cơ hội nhìn thấy, ngồi thử, lái thử và sờ thử hoặc có tìm hiểu qua. Do không có điều kiện để thử và trải nghiệm hết tất cả các loại xe, nên không tránh khỏi có sai sót trong bài viết. Nếu bạn có đóng góp hoặc bổ sung, vui lòng để lại comment dưới phần bình luận. Mọi đóng góp đều được trân trọng. 

Honda XR125

Honda XR125

Lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2003, Honda XR125 là một mẫu xe dual-sport phù hợp cho những người mới bắt đầu chơi cào cào. Là một chiếc xe đa dụng, Honda XR125 có thể được sử dụng để đi làm hàng ngày trong thành phố, hoặc để đi chơi, đi phượt vào dịp cuối tuần. Xe có chiều cao phù hợp với thể hình người châu á, bánh trước 19" và bánh sau 17", tỷ lệ tiêu thụ xăng 3.2L/100km, có thể thấy mẫu xe Honda XR125 rất thích hợp để đi du lịch trải nghiệm các cung đường hỗn hợp ở Việt Nam.

Tư thế lái với dáng ngồi thẳng đứng thoải mái, bộ yên to và dày thoải mái cả khi đi 2 người với những hành trình dài, và baga sau to và chắc có thể ràng được cơ số hành lý đáng kể, là những ưu điểm làm cho mẫu xe này thích hợp để đi du lịch đường dài.

  • 125cc
  • 4 thì
  • cân nặng 130kg ướt
  • tốc độ tối đa ~110km/h
  • Khởi động bằng điện (từ 2010 được bổ sung thêm giò đạp)
  • Xe nhẹ bảo trì, chỉ cần thay nhớt mỗi 1000km
  • Nguồn gốc: Xe nhập khẩu hải quan chính ngạch
  • Giá: khoảng 60 triệu
  • Thể loại: Dual-sport

Honda XR150L

Honda XR150

Là phiên bản được nâng cấp từ mẫu Honda XR125, Honda XR150L ( 150LEKE / SDH150 ) đã trở thành mẫu xe cào cào phổ biến nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

XR là dòng xe được Honda thiết kế nhắm đến các chủ nông trại, với mục đích trở thành một chiếc xe đa dụng trên địa hình hỗn hợp ở nông trại và trang trại. Khi về đến Việt Nam, mẫu xe XR150 trở nên cực kỳ thích hợp với điều kiện đường sá và địa hình của Việt Nam, nên đã được nhiều công ty du lịch đầu tư để cung cấp dịch vụ cho thuê xe máy tự lái. Đó là lý do làm cho XR150 trở nên rất phổ biến ở Việt Nam, sau khi ra mắt chỉ hơn 1 năm.

  • 149cc
  • 4 thì
  • cân nặng 130kg ướt
  • Bình xăng 12L
  • Nguồn gốc: Xe nhập khẩu hải quan chính ngạch
  • Giá: khoảng 60 triệu
  • Thể loại: Dual-sport
Xem thêm bài viết chi tiết về Honda XR150 để biết thêm thông số kỹ thuật, giá bán và so sánh với các mẫu cào cào cùng phân khúc. 

Honda CRF150L 

Honda CRF150L

CRF150L là dòng xe dual sport hoàn toàn mới của Honda trong phân khúc 150cc, khác hẳn với hai dòng CRF150R và CRF150X. Mẫu CRF150L có nhiều điểm thiết kế tương đồng với mẫu Honda XR150L về khung sườn và bộ máy. Tuy nhiên dàn áo và phần yên được thiết kế hoàn toàn khác theo dáng enduro, phuộc trước hành trình ngược và, phuộc sau pro-link, bánh trước 21" và bánh sau 18". Với những điểm trên, có thể thấy CRF150L được thiết kế nghiêng về offroad, và sẽ không thoải mái bằng mẫu XR150 khi sử dụng trên đường trường, hoặc khi đi 2 người trên cùng một xe.

  • 149cc
  • 4 thì
  • cân nặng 117kg khô
  • chỉ xuất hiện ở thị trường châu Á
  • Giá: khoảng 70 triệu hải quan chính ngạch
  • Thể loại: Dual-sport

Honda CRF150R

Honda CRF250R

Là dòng xe đua cỡ nhỏ có tính giờ piston, CRF150R rất hiếm thấy ở Việt Nam. Do được thiết kế để đua nên khối động cơ 150cc của mẫu CRF150R cho công suất cao hơn hẳn các xe thương mại cùng phân khúc 150cc. Hiệu năng cao tất nhiên cũng có nghĩa rằng bạn sẽ phải bảo trì xe sớm hơn, với 15 giờ đua cho mỗi lần thay piston theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

  • 149cc
  • 4 thì
  • 77kg ướt
  • ra đời từ 2007
  • Là dòng xe tính giờ, chỉ nên chạy trong track.
  • Rất hiếm thấy ở Việt Nam, chỉ có xe từ Campuchia sang.
  • Giá: ???
  • Thể loại: Motocross

Honda CRF250L - CRF250 Rally

Honda CRF250L

CRF250L có lẽ là mẫu dual-sport đa dụng và phổ biến nhất của Honda tại Châu Á. Với cỗ máy Honda bền bỉ dung tích 250cc, phuộc trước hành trình ngược và phuộc sau mono shock kèm pro-link, bánh trước và bánh sau 21" và 18", CRF250L là mẫu xe thực sự có khả năng offroad, dành cho những bạn chơi dual-sport nghiêm túc.

Bản 250L là bản mẫu với thiết kế dual-sport tiêu chuẩn, sau đó Honda cho ra mắt mẫu CRF250 Rally mang đậm vẻ Dakar với kính chắn gió và đèn trước hai mắt, kèm ốp gầm che gần như toàn bộ phần máy.

  • 249cc
  • 4 thì
  • Trọng lượng ướt: 146kg bản 250L, 157kg cho bản Rally
  • Giá: ~200 triệu hải quan chính ngạch
  • Thể loại: Dual-sport

Honda CRF250R

2016 Honda CRF250R

Là dòng đua motocross của Honda trong phân khúc 250cc, được thiết kế như một phiên bản nhỏ hơn của CRF450R. Đây là dòng xe có hiệu suất cao chuyên để đua, với piston tính giờ, các chi tiết như đèn điện và đề được lược bỏ để giảm cân nặng cho xe. Do đó mẫu xe này không thích hợp để sử dụng ngoài đường đua.

Là dòng xe đua nên cứ mỗi năm trôi qua Honda lại tìm ra cách để giảm bớt trọng lượng xe, hoặc tăng công suất. Cho đến nay bản 2019 đã trải qua rất nhiều lần nâng cấp và khác hẳn so với bản đầu tiên được sản xuất năm 2004.

Ở Việt Nam, mẫu CRF250R không phổ biến do không được nhập khẩu về bán bởi tư nhân, tuy nhiên ta vẫn có thể một vài chiếc trong giới enduro Việt

  • 249cc
  • 4 thì
  • là dòng xe đua chạy track, piston tính giờ, không có đèn, điện, đề nên không thích hợp để sử dụng cho mục
  • 107kg ướt
  • lần đầu xuất hiện vào 2004
  • Giá: từ 60 - 100 triệu không giấy
  • Thể loại: Motocross

Honda CRF250X

Honda CRF250X

Được xem là mẫu xe thay thế cho dòng XR250R (đã bị Honda khai tử vào 2005), CRF250X là mẫu xe thuần enduro, với tất cả mọi chi tiết trên xe được thiết kế cho mục đích offroad, tuy nhiên vẫn được tích hợp đèn để lưu thông đường bộ khi cần.

CRF250X có thiết kế gần giống với mẫu CRF250R, chỉ khác là mẫu X có thêm cần số, đèn, và được sắp lại tỷ lệ nhông dĩa và hộp số phù hợp với enduro hơn. CRF250X cũng vẫn là dòng xe công suất cao, piston tính giờ, và mặc dù có đầy đủ đèn và điện, nhưng vẫn không thích hợp để sử dụng trong thành phố hàng ngày.

  • 249cc
  • 4 thì
  • 115kg ướt
  • ra mắt vào năm 2005
  • Giá: khoảng 60 đến 100 triệu
  • Thể loại: Enduro / Trail

Honda CRM250

Honda CRM250 AR

Dòng xe kinh điển của Honda, trải qua nhiều thăng trầm trong quãng đời một thập kỷ! CRM250 là dòng xe trail bike dùng cho các hoạt động enduro, thời gian sản xuất từ 1989 đến 1999, và đã trải qua 3 đời thiết kế của Honda.

Đời Mk1 là mẫu CRM250 đầu tiên xuất hiện vào năm 1989-1990, với thiết kế như một chiếc xe đi rừng có khả năng chở hai, với bộ pha xăng nhớt tự động. Đời Mk2 và 2.2 được sản xuất vào những năm 1991-1993, với phuộc trước được cải tiến bằng phuộc Showa hành trình ngược, nhớt được chứa trong khung sườn. Sau đó là đời Mk3 vào nwhngx năm 1994-1996, là lúc mẫu CRM250 được Honda nâng cấp khá nhiều về thiết kế và chức năng. Đến những năm 1996-1999, Honda ra mắt mẫu CRM250 AR - Active Radical System, để đáp ứng theo những thay đổi về bộ luật khí thải vừa mới được ban hành. Đó là những năm cuối của mẫu xe CRM250.

  • 249cc
  • 2 thì
  • 125kg khô
  • được sản xuất từ năm 1989-1999
  • Giá: ???
  • Thể loại: Trail

Honda CRF 450R / 450X / 450RX

Honda CRF450

Honda CRF450R là mẫu xe đua motocross của Honda trong phân khúc 450cc, và từ đó Honda phát triển thêm mẫu X có thêm đèn đi đường và đề, tạo nên một mẫu xe enduro bán chuyên. Mẫu RX được Honda tinh chỉnh lại động cơ và phuộc để trở thành mẫu xe đua enduro.

  • 449cc
  • 4 thì
  • 102kg khô
  • là dòng xe bán chuyên / chuyên nghiệp
  • Thể loại: Enduro / Trail

Yamaha YZ125

2018 Yamaha YZ125

là mẫu cào cào motocross lâu đời, Yamaha yz125 xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1974, với ngoại hình cổ điển rất khác mẫu 2018, với bộ phuộc sau dual shock. Từ năm 1975 trở về sau, mẫu YZ125 được nâng cấp sang phuộc monoshock, và từ 1981 chiếc xe được nâng cấp thêm bộ tản nhiệt làm mát bằng dung dịch. 

  • 124cc
  • 2 thì
  • 94kg ướt
  • Thể loại: Motocross

Yamaha XT250 (Serow 250)

Yamaha XT250

XT250 đã trở lại cuộc chơi sau một vài năm bị Yamaha ngừng sản xuất vì lý do không đáp ứng được bộ tiêu chuẩn khí thải mới, lần đâu tiên xuất hiện vào năm 1980, đến nay mẫu XT250 đã được cải tiến khá nhiều. Trong khoảng thời gian 1980 đến 1991 XT250 được biết đến như một mẫu xe đi rừng bền bỉ, với bộ chế hòa khí cơ và hệ thống làm mát bằng gió. Năm 1991 Yamaha tuyên bố khai tử mẫu XT250, để rồi sau đó lại hồi sinh vào năm 2008 dưới cái tên Serow 250 ở thị trường Nhật Bản. Năm 2013 bản XT250 ở thị trường Mỹ được nâng cấp sang phun xăng điện tử thay vì chế hòa khí cơ. 

Một điểm đặc biệt của mẫu XT250 so với các mẫu xe khác của Yamaha đó là ngoài màu xanh Yamaha cơ bản, XT250 còn được bán với các màu trắng xanh lá, trắng xanh dương và trắng cam. Với chiều cao yên khoảng 81cm, đây là mẫu xe thích hợp cho người mới tập chơi.

  • 249cc
  • 4 thì
  • 132kg ướt
  • Thể loại: Trail

Yamaha WR250F

Yamaha WR250F

WR250F là mẫu xe offroad - dual-sport của yamaha, và có nhiều điểm tương đồng với mẫu YZ250F motocross. WR250F được thiết kế với tiêu chí mạnh và nhẹ đặt lên hàng đầu, sau đó yamaha thêm thắt vào các chi tiết điện, đèn và đề để cho chiếc xe có thể giao thông trên đường bộ. Căn bản, đây là một chiếc xe đua enduro được hợp pháp hóa để chạy phố.

WR viết tắt cho "wide-ratio gear box" - Hộp số có tỉ số truyền động rộng, là điểm khác biệt căn bản giữa xe bán chuyên và chuyên nghiệp. Xe chuyên nghiệp sẽ có bộ hộp số với tỉ số truyền hẹp hơn, khó điều khiển nhưng phản ứng sẽ nhanh nhạy hơn hẳn. 

  • 246cc
  • 4 thì
  • 116kg ướt
  • Có đề
  • Là xe bán chuyên, thích hợp để chạy enduro, có đèn và đề.
  • Thể loai: Enduro / Trail

Yamaha YZ250F

Yamaha YZ250F

YZ250F là mẫu xe đua motocross chuyên nghiệp được Yamaha giới thiệu vào năm 2001. YZ250F được trang bị cỗ máy 4 thì 250 phân khối với 5 van nạp xả, khung sườn bằng thép và khung phụ bằng nhôm, từ đời 2006 toàn bộ khung được làm bằng nhôm. 

Với bộ máy 4 thì đặc trưng và khung sườn vay mượn từ đàn anh YZ250 2 thì, YZ250F nổi tiếng với hộp số có tỷ số truyền rộng dễ điều khiển và sự gọn nhẹ linh hoạt của các mẫu 2 thì 125 phân khối. 

  • 249cc
  • động cơ 4 thì
  • 93kg khô
  • chiều cao yên 98cm
  • Thể loại: Motocross

Yamaha YZ250

Yamaha YZ250

Yamaha YZ250 là mẫu xe đua 2 thì motocross chuyên nghiệp lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1974, cho đến nay đã trải qua nhiều thay đổi thiết kế, và là một trong những mẫu xe hai thì hiếm hoi hiện vẫn còn đang sản xuất vào năm 2019. 

  • 250cc
  • 96kg khô
  • chiều cao yên 98cm
  • Thể loại: Motocross

Yamaha XT225 (Serow 225)

Yamaha XT225

Là mẫu xe cào cào giá rẻ dành cho người mới nhập môn dual-sport, với chiều cao yên thấp để giúp làm quen dần với xe cào cào. 

Những con xe có tuổi đời ngắn nhất của mẫu XT225 đến nay cũng phải hơn 10 tuổi, do XT225 được sản xuất trong những năm từ 1986 đến 2007.

  • 223cc
  • 4 thì
  • 108kg khô
  • bình xăng 8.7L
  • Thể loại: Dual-sport / Trail

Yamaha Tricker 250

Người thiết kế của Yamaha có lẽ đang nhắm đến một mẫu xe đa dụng, với sự gọn nhẹ của BMX, kèm thêm bánh gai đường kính lớn 18" - 21" cho khả năng offroad, và yên thấp giống như các mẫu trial bike. Và tất cả những yếu tố đó kết hợp lại, ta có được một mẫu xe không phải trial bike, cũng không phải cào cào. Điểm yếu nữa của mẫu xe này, đó là khối động cơ quá yếu để có thể thực hiện "trick" trên con xe này. Cặp bánh 18" - 21" cũng không thể bù được cho chiều cao yên quá thấp và dàn phuộc yếu, cho nên bạn đừng thử đem Tricker 250 vào rừng hoặc chạy enduro. 

  • 249cc
  • 4 thì
  • 118kg khô (nặng hơn ngoại hình)
  • Thể loại: Trials ??????

Yamaha DT125 / DT175

Yamaha DT175

Ra mắt vào năm 1974 như một chiếc xe đi rừng làm rẫy thứ thiệt cho nông dân, trải qua nhiều năm, dòng DT125 / DT175 vẫn gần như giữ nguyên thiết kế ban đầu. 

DT125 / DT175 là dòng xe hai thì với thiết kế rất đơn giản, công việc bảo trì hoàn toàn có thể tự làm và không cần kiến thức chuyên sâu. Tuy nhiên do luật khí thải, luật nhập khẩu xe của Việt Nam, dẫn đến việc xe hai thì không phổ biến ở nước ta. Bạn sẽ rất hiếm thấy các mẫu xe DT ở ngoài đường.

  • 123cc / 171cc
  • 2 thì
  • 107kg khô
  • khởi động bằng cần đạp
  • động cơ 6 số
  • Thể loại: Dual-sport / Trail

Yamaha XTZ125

XTZ125 là mẫu cào cào cỡ nhỏ của Yamaha, sở hữu khối động cơ 125cc với trọng lượng nhẹ (108kg), là mẫu xe lý tưởng cho các bạn nhập môn dual-sport và offroad. Đây là mẫu xe cạnh tranh trực tiếp của Yamaha với mẫu Honda XR150L và KLX150 ở thị trường châu Á. Được thừa hưởng thiết kế từ các dòng motocross của Yamaha, XTZ125 là mẫu xe có yên cao và hẹp, giảm sóc có hành trình dài, bánh sau 18" và bánh trước 21" theo tiêu chuẩn của các mẫu xe thiên về offroad.

  • 125cc
  • 4 thì
  • 118kg ướt
  • khởi động bằng đề và giò đạp
  • Ưu điểm xe cao nhưng nhẹ, thích hợp nhập môn offroad
  • Giá: 45tr hải quan chính ngạch
  • Thể loại: Dual-sport

Suzuki DRZ250

Suzuki DRZ250

Nhắm đến thị trường xe đi rừng cỡ nhỏ, DRZ250 là giải pháp của Suzuki dành cho những bạn không muốn vật lộn với con DRZ400 (150kg), hay chỉ đơn giản là cần một mẫu xe nhẹ hơn và nhỏ hơn để đi rừng. 

  • 250cc
  • 4 thì
  • 131kg ướt
  • khởi động bằng đề và điện
  • Thể loại: Dual-sport

Suzuki DR200

 Suzuki DR200

Là mẫu xe dành cho mọi người, DR200 có chiều cao yên không quá cao, tản nhiệt bằng gió, sử dụng chế hòa khí cơ, có thể đi onroad và offroad khá dễ dàng và không đòi hỏi bảo trì liên tục như những dòng xe công suất cao khác. Được sản xuất vào khoảng thập niên 80, DR200 còn có bản S và bản SE với một số nâng cấp về thiết kế từ Suzuki. 

DR200 vẫn được sử dụng đến ngày hôm nay, tuy nhiên bạn sẽ không thấy mẫu xe này thường xuyên trên đường phố. 

  • 198cc
  • 4 thì
  • 125kg ướt
  • Làm mát bằng gió
  • Là mẫu xe dual-sport thích hợp cho mọi người
  • Thể loại: Dual-sport

Suzuki RMZ250

 Suzuki RMZ250

RM là cụm viết tắt từ "Racing Model", từ đó có thể hiểu rằng đây là mẫu xe đua công suất cao của Suzuki, được tinh chỉnh cho công suất tối đa và chỉ thích hợp cho hoạt động trong track, không dùng ở ngoài đường phố. 

Lần đầu xuất hiện vào năm 1975, RMZ hiện có các dòng ở phân khúc từ 125 đến 500cc. Bạn chỉ có thể thấy những chiếc RMZ nếu bạn đi đến một trường đua motocross. Do không có đèn, điện, đề những mẫu xe này hiếm khi đi ra khỏi trường đua. 

  • 249cc
  • 4 thì
  • 112kg ướt
  • Là dòng xe đua chuyên nghiệp chạy track
  • không có đèn điện đề
  • Thể loại: Motocross

Suzuki DRZ400

 Suzuki DRZ400

Có lẽ là dòng xe dual-sport phổ biến nhất trên thế giới hiện nay, Suzuki đã làm rất tốt trong việc thiết kế một mẫu xe đa dụng, đa địa hình với khối động cơ 400cc mà không cần quá nhiều bảo trì.

Suzuki đã sớm nhận thấy tiềm năng của dòng DRZ400 và sau đó đã ra bản DRZ400SM (Supermotard) dành cho các tay chơi supermoto vào năm 2005, với dàn phuộc ngược USD và bánh trước sau đường kính 17" - 17". Ngoài ra bản DRZ400E được Suzuki nâng cấp thêm bộ chế hòa khí FCR39 để tăng độ nhạy ga, và thêm vào giò đạp khởi động là một nâng cấp đáng giá cho dân đi rừng. 

DRZ400 là mẫu xe cào cào rất phổ biến trên thế giới, với phụ tùng thay thế và phụ kiện có sẵn rất nhiều, có thể mua được khá dễ dàng từ các trang ebay hoặc aliexpress. Ở Việt Nam, DRZ400 vẫn chưa quá phổ biến, do xe có ngoại hình khá to, không phù hợp với thể trạng trung bình của người Việt, và không thích hợp với những bạn vừa mới tập chơi cào cào. 

DRZ400 cũng là lựa chọn của bạn Jon ở Tigit cho một chiếc xe cá nhân để đi offroad vào dịp cuối tuần. Chiếc DRZ này đã được tinh chỉnh lại cho phù hợp với chiều cao 2m05 của Jon. 

  • 398
  • 4 thì
  • Được quân đội Úc chọn làm mẫu xe mô tô quân sự.
  • Thể loại: Dual-sport

Kawasaki KLX150

Kawasaki KLX150

KLX150 là mẫu cào cào cỡ nhỏ của Kawasaki, cạnh tranh trực tiếp với Honda XR150L, CRF150L và Yamaha XTZ125 ở thị trường cào cào phân khối nhỏ ở Việt Nam. KLX150 hiện có thể mua được khá dễ dàng ở các cửa hàng nhập khẩu mô tô ở Việt Nam, với giá khoảng 70 triệu đồng. Kawasaki cũng giới thiệu mẫu D-tracker 150 Supermoto, với thiết kế tương tự KLX150, chỉ khác mỗi cặp bánh xe 17" - 17" dành cho giới supermoto. 

KLX150 / D-tracker 150 có ngoại hình nhỏ gọn và trọng lượng khá nhẹ (118kg khô) thích hợp cho các bạn vừa mới tập chơi cào cào, hoặc có ngoại hình khiêm tốn. 

  • 149cc
  • 4 thì
  • 118kg khô
  • Giá: 70 triệu (hải quan chính ngạch)
  • Thể loại: Dual-sport

Kawasaki KLX250

 Kawasaki KLX250

KLX250 là mẫu cào cào dual-sport của Kawasaki trong phân khúc 250 phân khối, cạnh tranh trực tiếp với CRF250L ở Việt Nam. KLX250 có ngoại hình thiết kế theo dáng dual-sport, chiều cao yên không quá cao, và phuộc trước và sau có thể điều chỉnh cho phù hợp với chiều cao và cân nặng của từng ngoài. Kawasaki cũng giới thiệu mẫu D-tracker 250 Supermoto, với thiết kế tương tự KLX250, chỉ khác mỗi cặp bánh xe 17" - 17" dành cho giới supermoto. 

KLX250 hiện là lựa chọn duy nhất cho dòng cào cào 250 phân khối hải quan chính ngạch ở Việt Nam, với giá thành chỉ 145 triệu đồng, rẻ hơn CRF250L ít nhất 50 triệu đồng.

KLX250 là mẫu cào cào khá phổ biến ở Việt Nam, với các đời xe từ 2005 đến các mẫu phun xăng điên tử hiện đại 2019. 

  • 250cc
  • 4 thì
  • 128kg khô
  • Giá: khoảng 145 triệu đồng
  • Thể loại: Dual-sport

Kawasaki KX 125 / 250

2018 Kawasaki KX125

Mẫu cào cào motocross cổ điển của Kawasaki, được thấy trong hâu hết các trường đua ở phân khúc 125 phân khối trong những năm 1974 - 2008. Trải qua nhiều năm đến nay KX125 đã trải qua 12 lần nâng cấp thiết kế và hiệu năng.

  • 125cc - 250cc
  • 2 thì
  • 87kg khô
  • sử dụng chế hòa khí cơ
  • bánh trước 21", bánh sau 19"
  • là mẫu xe đua chuyên nghiệp chạy trong track, không thích hợp sử dụng trên phố
  • Thể loại: Motocross

Kawasaki KDX200

Kawasaki KDX200

Là mẫu xe offroad bán chuyên của Kawasaki, KDX200 lần đầu được xuất hiện vào năm 1980. Tại Việt Nam, KDX200 vẫn được các tay chơi enduro sử dụng để đi rừng, mặc dù mẫu xe này hiện nay đã ngừng sản xuất từ năm 2006. Dòng KDX của Kawasaki còn có các mẫu KDX với dung tích máy từ 125 đến 400 phân khối

  • 200cc
  • 2 thì
  • bình xăng 11 lít
  • chiều cao yên 920mm
  • Thể loại: Motocross / Enduro

KTM EXC 125 / 150 / 200 / 250 / 300

KTM 300 EXC TPI

EXC là dòng cào cào chuyên nghiệp được thiết kế để chạy trong các cuộc đua enduro của hãng xe KTM. KTM hiện cũng đang làm hãng xe gần như độc quyền trong các cuộc đua hard enduro và extreme enduro, rất hiếm khi thấy sự xuất hiện của các hãng xe khác. Dòng EXC của KTM gần như đã trong tình trạng sẵn sàng để đua ngay khi xuất xưởng, có lẽ chính vì lý do này mà KTM gần như thống trị các giải đua offroad ở châu Âu. 

Tại Việt Nam, đa phần các tay chơi enduro lâu năm cũng sẽ chuyển sang các dòng KTM, một phần do xe chuyên enduro hiện chỉ còn các hãng châu Âu như KTM, Husqvarna sản xuất, xe Nhật ngoài các dòng CRF 250X, 450X thì các dòng khác hiện đã ngưng sản xuất hoặc đã rất cũ. 

  • 2 thì 
  • trọng lượng 102kg cho mẫu EXC125
  • Là xe chuyên nghiệp dùng trong các giải đua enduro, piston có tính giờ, không thích hợp để sử dụng hàng ngày. 
  • Thể loại: Enduro

KTM EXC-F 250 / 350 / 450 / 500

KTM EXC-F 350

Phiên bản 4 thì của dòng EXC, với chữ "F" tượng trưng cho "four-stroke". Cũng tương tự như dòng EXC, các mẫu EXC-F cũng được thiết kế thuần cho enduro và chạy trail, chỉ khác biệt duy nhất là sử dụng máy 4 thì. 

  • Thể loại: Enduro